Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Trên thực tế, các bộ ngành Trung ương và địa phương như Hà Nội, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.
Trước đây, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) xây dựng đề án khắc phục ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, định hướng được điều chỉnh sang xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm bảo đảm tinh thần phân cấp, phân quyền: địa phương quyết định và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, Trung ương xây dựng khung định hướng và hỗ trợ kỹ thuật, thể chế.
Trong quá trình xây dựng dự thảo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học, các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng về các nội dung trọng tâm vào ngày 27/3/2025. Dự thảo kế hoạch đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn trong nước, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu ý kiến từ các Bộ, ngành và chuyên gia. Trong đó, trọng tâm là dự báo các áp lực môi trường trong giai đoạn 5 - 10 năm tới để xác định các nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt kiềm chế gia tăng ô nhiễm.

Cần sớm triển khai các hành động khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ hai con số trở lên.
Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy, giai đoạn chuyển từ quốc gia đang phát triển lên phát triển cũng chính là thời kỳ chịu áp lực môi trường lớn nhất, khi tốc độ phát thải thường cao gấp 1,5 lần so với tăng trưởng GDP. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả ngay từ bây giờ, chi phí xử lý hậu quả về sau sẽ vô cùng tốn kém.
Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu xoay quanh ba nhóm nội dung chính:
Thứ nhất, về đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong dự thảo kế hoạch, các đại biểu cần xem xét tính chính xác, đầy đủ của các nhận định, xác định đâu là nguyên nhân chính, đâu là thứ yếu để có cơ sở xây dựng giải pháp phù hợp. Một số nguyên nhân được đề cập gồm: khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, đốt phụ phẩm nông nghiệp và hoạt động của các khu công nghiệp.
Thứ hai, về giải pháp, các nhóm giải pháp kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí được cơ quan chuyên môn của Bộ gửi tới các đại biểu. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu đóng góp thêm để làm rõ tính khả thi, hiệu quả, căn cơ của các giải pháp đã đề xuất, từ công trình đến phi công trình, từ cơ chế chính sách đến tuyên truyền, giáo dục.
Thứ ba, về phân công thực hiện, ai sẽ làm, khi nào làm, làm bằng nguồn lực nào? Đây là nội dung đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tinh thần chỉ đạo hiện nay là địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Theo đó, Trung ương giữ vai trò thiết kế chiến lược, xây dựng thể chế, đầu tư hệ thống quan trắc, dự báo, cơ sở dữ liệu để làm căn cứ quản lý, còn chính quyền các cấp tại địa phương sẽ triển khai trực tiếp.
Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cần phải bổ sung vào kế hoạch số liệu định lượng ô nhiễm không khí cụ thể, làm rõ nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là gì (đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM), mức giảm ô nhiễm không khí cần quy định cụ thể...
Theo PGS.TS Hoàng Dương Tùng Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, kế hoạch cần bổ sung những số liệu cụ thể để phân tích nguyên nhân ô nhiễm, các chính sách cụ thể và hoàn thiện các chính sách này phù hợp với thực tế cũng như học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia làm tốt. Đồng thời chú ý tính đến việc thực hiện kế hoạch này dài hơi hơn (tầm nhìn đến năm 2035).
Trên cơ sở các tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị đại biểu gửi những ý kiến đóng góp bằng văn bản về Tổ soạn thảo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.