Đề xuất chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất xe thân thiện với môi trường

Thứ ba, 24/9/2024 | 15:54 GMT+7
Bộ Công Thương vừa trình dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để lấy ý kiến.

Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến đến năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 14 - 16% mỗi năm, tổng lượng tiêu thụ rơi vào khoảng 1 - 1,1 triệu chiếc. Trong đó, xe điện và xe hybrid (xe chạy bằng xăng và điện), xe năng lượng mặt trời chiếm 350.000 chiếc.

Đến năm 2035, xe sản xuất trong nước đạt khoảng 1,5 triệu chiếc/năm, đáp ứng 78% nhu cầu thị trường, đồng thời xuất khẩu khoảng 90.000 chiếc, tập trung vào xe thân thiện môi trường.

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành ô tô Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 11 - 12%/năm, đạt 5 - 5,7 triệu chiếc/năm. Đặc biệt, xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch sẽ chiếm ưu thế với khoảng 80 - 85% thị phần. Sản xuất trong nước cũng sẽ tăng trưởng vượt bậc, đáp ứng 80 - 85% nhu cầu thị trường.

Mục tiêu của chiến lược là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, tăng cường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất xe thân thiện môi trường và phát triển các cụm công nghiệp ô tô.

Thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất xe thân thiện với môi trường. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ giao các cơ quan hữu trách nghiên cứu, thực thi các chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe điện chạy pin (BEV), xe hybrid tự sạc (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV).

Lệ phí trước bạ là một một trong nhiều khoản chi phí chủ sở hữu phải hoàn thành để lăn bánh một mẫu xe. Ưu đãi lệ phí trước bạ là một cách để kích thích người dân ưu tiên sử dụng những dòng xe này.

Theo Bộ Công Thương, để nâng cao vị thế của ô tô Việt Nam trên thị trường, giành được lòng tin của người tiêu dùng, ngành công nghiệp cần tập trung cải thiện chất lượng vật liệu, nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách chặt chẽ.

Nhã Quyên (t/h)