Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi

Thứ sáu, 24/5/2024 | 14:51 GMT+7
Ngày 24/5, tại Hà Nội, báo Giao thông tổ chức tọa đàm với chủ đề "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam".

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tính đến hết tháng 9 năm 2023, cả nước có hơn 28.000 ô tô thuần điện lưu hành so với 138 xe vào năm 2019. Xe buýt điện được vận hành ở 2 thành phố lớn là Hà Nội (khoảng hơn 239 xe) và thành phố Hồ Chí Minh (khoảng hơn 167 xe) cùng hơn 2.700 xe taxi điện hoạt động ở các thành phố lớn.

Công ty nghiên cứu thị trường BMI Research dự báo, doanh số bán ô tô điện mới tại Việt Nam sẽ tăng 114,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 18.000 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe thuần điện tăng 104,4%, dự kiến sẽ đạt gần 17.000 chiếc. Doanh số bán xe điện hybrid plug-in (PHEV) cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng đáng kể, tăng gấp 9 lần so với năm 2022, lên gần 1.100 chiếc.

Dù đạt được một số kết quả ban đầu, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển giao thông điện. Vì vậy, để thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện vận tải đường bộ sang sử dụng phương tiện giao thông điện, năng lượng xanh và định hướng xây dựng chính sách khuyến khích chuyển đổi, ngành giao thông vận tải đường bộ cần xác định rõ mục tiêu.

Trong đó, 3 mục tiêu tổng quát gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải số, chuyển đổi và điều hành trên nền tảng số, nâng cao khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu; thực hiện chuyển đổi và hướng tới loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu có carbon trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ; đạt mục tiêu điện khí hóa hoạt động giao thông vận tải đường bộ vào năm 2050.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện đòi hỏi lộ trình, chiến lược dài hạn gồm các mục tiêu cụ thể, cột mốc quan trọng cũng như chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng xe điện trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng kế hoạch mở rộng nguồn năng lượng, quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ, và đầu tư hạ tầng trạm sạc nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi.

Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi

Về việc khai thác xe điện làm taxi, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ngay từ đầu thế kỷ XIX, tại London và NewYork, 100% taxi là xe điện.

Tại thời điểm ô tô còn sơ khai, taxi điện đã phát huy được những lợi ích nổi trội hơn hẳn so với ô tô động cơ đốt trong và xe ngựa. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghệ ô tô, xe động cơ đốt trong phát triển rất nhanh và xe điện nói chung và taxi nói riêng vẫn chưa chiếm lĩnh được thị trường của ô tô xăng truyền thống.

Đến nay, công nghệ đã có nhiều thay đổi, công nghệ pin phát triển khá phù hợp với xe ô tô. Ô tô điện cũng có nhiều lợi ích như không có hộp số trong khi mô tơ điện bền hơn động cơ đốt trong nên những bộ phận về cơ khí của ô tô điện bền hơn xe động cơ đốt trong.

Theo ông Đàm Hoàng Phúc, hiện nay, công nghệ pin cũng phát triển rất tốt. Tại Việt Nam, VinFast cam kết bảo hành pin 7 năm. Theo ông, đây là thời gian những người kinh doanh sẽ hài lòng và cân đối được bài toán tài chính để phát huy lợi thế của taxi điện thời kỳ này. Bên cạnh đó, VinFast còn có chính sách cho thuê pin, như vậy, toàn bộ rủi ro về pin nhà sản xuất đã chịu trách nhiệm, lái xe taxi hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng.

Phân tích cụ thể hơn về lợi thế của xe điện khi sử dụng để kinh doanh vận tải, ông Phúc cho biết, với ô tô điện, những chi tiết cấu thành lên ô tô giảm đi rất nhiều do đó, chi phí chăm sóc bảo dưỡng cũng giảm nhiều, không cần phải thay dầu mỡ, thay lọc gió, thay lọc dầu. Bên cạnh đó, vì ít chi tiết cấu thành nên rủi ro của xe cũng ít hơn. Từ đó, tổng chi phí để nuôi một xe taxi cũng giảm hơn so với xe xăng truyền thống.

Lợi thế thứ hai theo ông Phúc là về tính cạnh tranh. Trong thị trường ô tô tại Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là quốc gia rất quan tâm đến bảo vệ môi trường. Mặt khác, đi taxi điện êm, không mùi xăng nên chất lượng phục vụ khách hàng cũng tốt hơn.

Từ đó, ông Phúc nhấn mạnh vẫn còn một số rào cản khi đưa taxi điện vào kinh doanh vận tải, vấn đề quan trọng hiện nay đó là các hãng taxi làm sao để vượt qua những rào cản đó để đạt được thành công.

Ông Phan Thanh Uy, Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã quan tâm đến việc chuyển đổi sang xe điện từ nhiều năm nay, đặc biệt sau Hội nghị COP26 khi Chính phủ cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là thách thức và cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp.

Theo ông Phan Thanh Uy, các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp taxi dành sự quan tâm lớn đối với việc chuyển đổi sang sử dụng xe chạy điện. Nhiều doanh nghiệp taxi chủ động đến văn phòng hiệp hội để tham vấn, chủ động tiếp cận các công nghệ mới về xe điện. Nhiều doanh nghiệp đến tận nhà máy, sang nước ngoài để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Có đơn vị đã lên kế hoạch đưa về cả xe container chạy điện.

Ông Phan Thanh Uy cho rằng, khi có đầy đủ cơ sở hạ tầng, khung pháp lý và nguồn tài chính thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đồng loạt thực hiện chuyển đổi.

Tại tọa đàm, bên cạnh việc đề xuất mở rộng hệ thống trạm sạc, các doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ và khuyến khích từ Chính phủ thông qua những chính sách cụ thể, rõ ràng. Điều này sẽ giúp tăng cường sự hấp dẫn của xe điện trong thị trường taxi và thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện sạch, thân thiện với môi trường hơn.

An Vinh (t/h)