Kinh tế xanh

Đổi mới sáng tạo hướng kinh tế tuần hoàn và bền vững

Thứ bảy, 12/2/2022 | 17:33 GMT+7
Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa phối hợp với các trường đại học đối tác trong và ngoài nước tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế Hanoi Geoengineering 2022 “Đổi mới sáng tạo khoa học trái đất, kinh tế tuần hoàn và tính bền vững”.

Hanoi Geoengineering 2022 là sự kiện hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo trong khoa học trái đất để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giải quyết các vấn đề môi trường cấp thiết, đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Hội nghị cũng nhằm tạo môi trường học thuật để các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp trao đổi các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng quốc gia thịnh vượng, an toàn và bền vững nhằm cụ thể hóa định hướng lãnh đạo của Đảng thúc đẩy phát triển đất nước ta trong giai đoạn 2021 - 2030.

Hội nghị khoa học quốc tế Hanoi Geoengineering 2022

Hội nghị quy tụ hơn 100 nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia thảo luận các chủ đề cấp thiết như: sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, tái tạo tài nguyên thiên nhiên, vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu xanh, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (thủy điện, năng lượng thủy triều, gió, mặt trời và địa nhiệt); khai thác bền vững và sử dụng sáng tạo các năng lượng truyền thống (than, dầu và khí); khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, vốn tự nhiên, đa dạng sinh học và hệ sinh thái; du lịch sinh thái, bảo tồn di sản thiên nhiên; mô hình tích hợp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; phân phối và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, để góp phần phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; giải quyết vấn đề sụp đổ hệ sinh thái, từ chỗ chỉ tập trung nghiên cứu, khám phá trái đất để phục vụ khai thác, sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, các nhà khoa học cần nghiên cứu tường tận các quy luật tự nhiên để góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người với tự nhiên theo hướng thuận thiên, tuân theo quy luật của tự nhiên. Chuyển đổi từ khai thác bóc lột tự nhiên sang đầu tư, phục hồi. Đặc biệt, cần thể hiện rõ vai trò tiên phong trong việc tìm ra những giá trị mới, đưa ra được những giải pháp khả thi về chôn lấp, lưu trữ carbon ở các mỏ đã khai thác; tìm kiếm các nguồn nguyên liệu sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, phát hiện tiềm năng giá trị địa chất, địa mạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thay thế cho khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, đặt nền móng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Mỹ Dung