Năng lượng gió

Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Tăng nguồn điện gió ngoài khơi

Thứ hai, 28/2/2022 | 09:05 GMT+7
Theo thông báo mới của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát giảm quy mô nguồn điện mặt trời, tăng nguồn điện gió ngoài khơi cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong Quy hoạch điện VIII.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 55/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, ngày 21/2/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp về tình hình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII. Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kết luận:

Thứ nhất: cơ bản thống nhất với dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương báo cáo (ngày 21/2/2022), trong đó đề xuất tổng công suất nguồn đặt đến 2030 khoảng 146.000 MW, đến năm 2045 khoảng trên 352.000 MW. Yêu cầu Bộ Công Thương điều chỉnh một số nội dung sau:

Đồng ý với kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc chuyển đổi Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 sang sử dụng nguồn khí LNG nhập khẩu vì đã đầu tư hạ tầng Trung tâm điện lực Quảng Trạch dùng cho cả 2 dự án Quảng Trạch 1 và Quảng Trạch 2.

Quy hoạch điện mặt trời giai đoạn 2031 - 2045 còn quá cao (khoảng 25% trong cơ cấu công suất nguồn điện): Bộ Công Thương rà soát giảm quy mô nguồn điện mặt trời, tăng nguồn điện gió ngoài khơi cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả.

Ảnh minh họa

Bên cạnh phương án cơ bản, Bộ Công Thương có thể báo cáo phương án chuyển đổi năng lượng với các biện pháp mạnh mẽ hơn như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương để thực hiện sớm các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, trong đó: chuyển đổi các dự án nhiệt điện than (Nam Định 1, Quảng Trị 1, Vĩnh Tân 3, Sông Hậu 2) sang điện khí, hoặc năng lượng tái tạo thì tính khả thi trong việc đàm phán, chấm dứt cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?

Phát triển điện hạt nhân phù hợp để giảm nhiệt điện, điện khí thì trình tự, thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định như thế nào? Mức độ ảnh hưởng đến môi trường của loại hình năng lượng này so với nhiệt điện và điện khí ra sao?

Đề xuất tăng công suất một số nguồn điện tích năng, lưu trữ, hydrogen, điện sinh khối… thì giá thành sản xuất điện có đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả so với các nguồn điện khác không?

Thứ hai: trong tờ trình, Bộ Công Thương cần nêu rõ các vấn đề xin ý kiến Thường trực Chính phủ theo quy định, trong đó lưu ý thêm: để đảm bảo hiệu quả của nền kinh tế, đề nghị Thường trực Chính phủ xem xét việc đưa ra khỏi quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 các nguồn điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng chưa triển khai (khoảng 6.500 MW).

Xin ý kiến Thường trực Chính phủ việc đưa vào Quy hoạch điện VIII tổng công suất điện mặt trời mái nhà khoảng 7.755 MW để người dân, doanh nghiệp đã tự lắp đặt (để được áp dụng quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ), theo hướng dẫn chung của Bộ Công Thương và được các tổng công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam ký hợp đồng mua bán điện.

Thứ ba: đối với đề nghị của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương (tại văn bản số 110/CV-BCSĐ ngày 11/2/2022) về việc lùi thời hạn trình Đề án Quy hoạch điện VIII sang quý II/2022. Đây là Quy hoạch đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia do vậy, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022 để báo cáo Thường trực Chính phủ trước khi tổ chức hội nghị với các địa phương nhằm sớm hoàn thành các thủ tục phê duyệt theo quy định.

An Vinh