Năng lượng gió

Phát triển điện gió ngoài khơi gắn với ngành công nghiệp phụ trợ

Thứ năm, 27/1/2022 | 09:42 GMT+7
Tập đoàn Ørsted và Tập đoàn T&T Group vừa phối hợp tổ chức Hội nghị về chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi sáng kiến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo tại Việt Nam do T&T Group cùng Ørsted khởi xướng và tổ chức.

Thông tin tại hội thảo, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đường bờ biển trải dài trên 3.200 km vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng là rất lớn. 

Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5 - 10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỉ USD cho nền kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị quy mô để bảo đảm tính hiệu quả của ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam ở giai đoạn đầu tiên tối thiểu khoảng 5 GW. Điện gió ngoài khơi có thể đóng vai trò quan trọng trong tổng cung năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn giúp lan tỏa, góp phần tạo ra công ăn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ đi kèm theo.

Ông Lê Tuấn Anh Vụ cũng nhìn nhận: “Tuy nhiên, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực mới. Vì vậy, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết thoả đáng bao gồm việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện, nâng cao năng lực thi công, xây lắp và đặc biệt quan trọng là phát triển chuỗi cung ứng nội địa”.

Dự báo nền công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu rất sôi động trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính khoảng gần 500 GW về mặt kỹ thuật, là nguồn điện rất lớn so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, công nghệ năng lượng mới nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng ngày càng phát triển với chi phí ngày càng cạnh tranh so với nguồn điện truyền thống. Vì vậy, nguồn năng lượng điện gió được đánh giá sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gia tăng việc làm, tăng cường cung ứng trong nước và thúc đẩy tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Lê Tuấn Anh nhận định, với những lợi thế về tự nhiên cũng như chiến lược phát triển rõ ràng, để trở thành trung tâm phát triển - cung ứng điện gió thì Việt Nam cần phát huy tốt nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistic trong thời gian tới. Chính phủ cũng đã bước đầu hiện thực hóa bằng một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, cùng điện gió như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 17/1/2017 của Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lưu ý rằng, để đẩy nhanh tốc độ hiện thực hóa những mục tiêu “xanh” mà Chính phủ đề ra, cần cụ thể và ban hành thêm những chính sách để công nghiệp phụ trợ năng lượng xanh có thể phát triển trong thời gian tới bởi đây là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của ngành.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T chia sẻ, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất ước tính của năng lượng tái tạo Việt Nam cho đến năm 2030 là khoảng 44.000 MW và sẽ tăng gấp 3 lần - khoảng 144.000 MW vào năm 2045. Trong khi đó, phần lớn trang thiết bị công nghệ nguồn điện tái tạo hiện nay đều phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Điều này dẫn tới sự phụ thuộc rất lớn về mặt công nghệ, kỹ thuật và trang thiết bị ngoại nhập, đồng thời, làm tăng chi phí đầu tư cũng như có những hạn chế, khó khăn trong việc chủ động cung ứng và định hướng nội địa hóa giảm giá thành sản xuất từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

“Với tiềm năng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26, chúng tôi tin rằng, trong thời gian tới, nền công nghiệp năng lượng tái tạo cũng như nền công nghiệp phụ trợ cho năng lượng tái tạo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu là rất sôi động bởi nhu cầu rất lớn”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình nhấn mạnh.

Từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ điện gió ngoài khơi

Ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Tập đoàn Ørsted cho biết, Ørsted và T&T Group cam kết trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để cụ thể mục tiêu này, Ørsted, T&T Group và các đơn vị cung ứng hàng đầu thế giới đã và đang xây dựng kế hoạch dài hạn hình thành chuỗi cung ứng cạnh tranh, đáp ứng không chỉ thị trường trong nước mà còn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường khu vực châu Á và trên thế giới.

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhận định chuyển dịch sang năng lượng xanh, sạch là xu hướng chung của thế giới, trong đó, việc phát triển chuỗi cung ứng cũng như ngành công nghiệp phụ trợ là không thể chậm trễ, cần sớm có những chính sách phát triển hỗ trợ phù hợp để công nghiệp năng lượng xanh “cất cánh” tại Việt Nam.

Nhã Quyên