Đức và Việt Nam hợp tác về bảo vệ môi trường đất

Thứ tư, 18/10/2023 | 10:34 GMT+7
Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường Liên bang Đức phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo hợp tác giữa Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đất - những thành công và thách thức từ góc nhìn của Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, Đức là đối tác lâu năm, luôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thực hiện nhiều dự án, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý rác thải nhựa đại dương, quản lý tài nguyên nước, trong đó bảo vệ môi trường đất là một trong những nội dung được ưu tiên quan tâm.

Thời gian qua, các hoạt động hợp tác về bảo vệ môi trường đất đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự thành công của chặng đường 20 năm hợp tác về lĩnh vực tài nguyên và môi trường giữa hai Bộ. Quá trình hợp tác đã góp phần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm; nâng cao năng lực về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nói chung và lĩnh vực bảo vệ môi trường đất nói riêng cho đội ngũ cán bộ quản lý của Việt Nam.

Các chuyên gia về môi trường của Việt Nam và Đức tham dự hội thảo

Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường bày tỏ mong muốn được được lắng nghe các ý kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, các chuyên gia và nhà khoa học đánh giá về những kết quả hoạt động hợp tác Việt - Đức về công tác bảo vệ môi trường đất, qua đó gợi ý xác định các ưu tiên trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Thomas Strassburger, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ đất và khắc phục hậu quả và Luật khai thác mỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường Liên bang Đức chia sẻ, Đức luôn hỗ trợ Việt Nam trong việc học hỏi kinh nghiệm, bài học thực tiễn từ Đức. Theo ông Thomas Strassburger, trong quá trình hợp tác, lực lượng cán bộ chuyên môn trong ngành của Việt Nam đã phát triển đáng kể, hệ thống các văn bản pháp lý ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rõ nhất trong các quy định về bảo vệ môi trường đất trong Luật Bảo vệ môi trường, các nghị định, thông tư... Quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có những kết quả cụ thể. Trong tương lai, hy vọng Việt Nam có thể có những kết quả vượt trội so với các nước khác trong công tác bảo vệ môi trường đất, đồng thời mong Đức có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc đảm bảo diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực.

Các nội dung như: quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Đức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đất; những thành công và thách thức mới từ góc nhìn của Việt Nam; quy định pháp lý và đổi mới về bảo vệ môi trường đất; những thách thức hiện nay đối với việc bảo tồn đất ở Việt Nam; kinh nghiệm quản lý đất từ góc nhìn của phía Đức... đã được chia sẻ với các đại biểu Việt Nam.

Theo ông Michael Zschiesche, Giám đốc Viện độc lập về các vấn đề môi trường (UfU), nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất ngày càng phức tạp vì vậy hai bên cần phải tăng cường trao đổi thêm về các biện pháp kiểm soát ô nhiễm như công cụ về thuế, phí, công nghệ kỹ thuật...; cần đẩy mạnh phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn về những chủ đề hai nước đã hợp tác trước kia, cũng như chủ đề mới khác.

Ông Michael Zschiesche nhấn mạnh, để bảo vệ môi trường đất tại Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu mối quan hệ giữa đất và khí hậu; có biện pháp quản lý hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo duy trì 3,8 triệu ha đất trồng lúa; tập trung hơn về quản lý đất nông nghiệp…

Phương An (T/H)