Bản tin môi trường số 39/2023

Thứ hai, 16/10/2023 | 10:03 GMT+7
Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 (AMMDM 11) đã thông qua Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN.

Thông qua Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN

Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai được đại diện các nước ghi nhận và đánh giá cao. Tuyên bố khẳng định cam kết của Bộ trưởng về lĩnh vực quản lý thiên tai của các quốc gia ASEAN trong việc tăng cường thực hiện hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN, đặc biệt là ba trụ cột chính: thông tin rủi ro, dự báo và hệ thống cảnh báo sớm; lập kế hoạch, vận hành và thực hiện; thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn.

Cụ thể, các Bộ trưởng nhấn mạnh nỗ lực không ngừng hướng tới việc hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 về quản lý thiên tai nhằm đưa ASEAN trở thành khu vực tiên phong trong việc thay đổi bối cảnh quản lý thiên tai trong và ngoài khu vực; đồng thời củng cố vai trò lãnh đạo của ASEAN trong việc duy trì vai trò trung tâm, cách tiếp cận sáng tạo, xây dựng mạng lưới, tài chính bền vững, quản trị liên ngành và đa tầng, lấy người dân làm trung tâm vào năm 2025.

Thông qua Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN

Tuyên bố cũng tái khẳng định cam kết hỗ trợ thực hiện Khung ASEAN về hành động sớm trong quản lý thiên tai; cam kết đạt được mục tiêu thúc đẩy việc thực hiện, nhân rộng các phương pháp tiếp cận hành động sớm trong khu vực để bảo vệ người dân, tài sản và sinh kế trước các thiên tai tiềm tàng có thể xảy ra, từ đó giảm thiểu tổn thất, thiệt hại do thiên tai ở các quốc gia thành viên ASEAN. Đồng thời, cam kết nỗ lực cải thiện hệ thống thông tin rủi ro, dự báo, cảnh báo sớm ở cấp khu vực và quốc gia.

Khuyến nghị Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) và Ban Quản trị Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (AHA) nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chia sẻ dữ liệu chất lượng trong khu vực và với các đối tác; tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo sớm, dự báo dựa trên tác động trong khu vực; nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường việc lập kế hoạch, vận hành, thực hiện các hành động sớm trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai ở cấp khu vực và cấp quốc gia.

Xây dựng Trung tâm Dữ liệu vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu tài nguyên môi trường

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh đã đến kiểm tra dự án “Đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tích hợp dữ liệu TN&MT của khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu”.

Mục tiêu của dự án là xây dựng trung tâm vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu đa ngành (tài nguyên môi trường, kinh tế xã hội...), từng bước chuẩn hóa, khắc phục tình trạng thiếu hụt cơ sở dữ liệu, đồng bộ hóa các tài liệu thuộc khu vực ĐBSCL phục vụ phân tích, đánh giá, hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kiểm tra công trình thi công Trung tâm Dữ liệu ĐBSCL

Việc xây dựng Trung tâm là hành động cụ thể của Bộ TN&MT trong việc triển khai vận hành Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Theo đó, dự án nhằm xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu cho phát triển Chính phủ điện tử; tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Với mục tiêu xây dựng trung tâm vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu đa ngành, là đầu mối của Bộ TN&MT ở phía Nam nhằm chia sẻ các cơ sử dữ liệu, Bộ trưởng đề nghị Ban quản lý dự án nghiên cứu các phương án dự phòng cho hệ thống cung cấp điện lưới, đường truyền internet đáp ứng yêu cầu liên thông giữa đơn vị, ngành, địa phương… Đề nghị công tác tổ chức phải có sự phối hợp giữa các đơn vị sử dụng như khí tượng thủy văn, trung tâm quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, kiểm soát ô nhiễm môi trường… để tận dụng công năng hiệu quả nhất.

Bổ sung vốn thực hiện phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển cho vùng ĐBSCL

Theo quyết định mới, Thủ tướng quyết định bổ sung 4.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các địa phương vùng ĐBSCL để bố trí cho dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, căn cứ mức vốn bổ sung được giao trên, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL bố trí vốn được bổ sung cho dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định của Luật Đầu tư công và nhiều quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan. Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương, huy động nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định pháp luật để bố trí đủ số vốn còn thiếu của dự án so với tổng mức đầu tư được duyệt, bảo đảm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Thủ tướng cũng chỉ đạo lập tổ công tác liên ngành kiểm tra định kỳ việc sử dụng số vốn hỗ trợ cho các địa phương. Cụ thể, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công, phòng, chống thiên tai chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo đề xuất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Bảo An