Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 để bảo vệ tương lai và phát triển kinh tế bền vững. Trong giảm phát thải, cần hướng đến giảm các nguyên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo.
EU cũng đã huy động 100 triệu USD để hỗ trợ các vùng dễ bị tổn thương trong khắc phục những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và thúc đẩy cộng đồng phát triển xanh, bền vững. Mới đây, EU đã đặt mục tiêu giảm 55% lượng phát thải với định hướng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi sang năng lượng sạch và bền vững như điện gió.
EU sẵn sàng thảo luận với Chính phủ Việt Nam trong hành động xanh, luôn cương quyết cùng phối hợp, tham gia với doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, người dân trong hành động.
Đặc biệt, điều quan trọng nhất hiện nay là nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh. Theo đó, chúng ta cần hành động ngay, cụ thể trong cách thức tiêu dùng, thay đổi tư duy, sự chuyển đổi phải cân bằng và đồng đều trên toàn cầu. Trước mắt là giảm vật dụng làm bằng nhựa.
Việt Nam đã đưa ra cam kết, quyết tâm mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn
Tại hội thảo, ông Rainer Emschermann, cán bộ đối ngoại của Tổng cục Hành động khí hậu (DG CLIMA), Ủy ban châu Âu cũng cho biết về kế hoạch mục tiêu khí hậu, lộ trình rõ ràng trong việc cắt giảm phát thải giữa EU và ASEAN, đặc biệt là giải pháp, phương hướng chiến lược cụ thể trong tương lai.
Ông Rainer Emschermann thông tin, tham vọng của EU là trở thành khu vưc trung tính về khí hậu vào năm 2050. Theo đó, với mục tiêu trung hạn và trước mắt, năm 2030, EU phấn đấu giảm tối thiểu 55% phát thải carbon ở các quốc gia thành viên (gói kế hoạch 55).
Trong đó, hướng mục tiêu đến những gói chuyển đổi công bằng, đảm bảo tính cạnh tranh giữa các ngành, các thành phần kinh tế ở các quốc gia nhưng cũng hỗ trợ nhau để giảm tải chi phí, tạo sự cân bằng trong định giá phát thải. Với ngành năng lượng, đây là ngành phát thải nhiều carbon nên EU đã có cơ chế buôn bán phát thải giữa các bên tham gia buôn bán ở thị trường, từ đó hạn chế phát thải.
Theo ông Fabian M.Kreuzer, cán bộ đối ngoại của Tổng cục Năng lượng (DG ENER), Ủy ban châu Âu, EU đã có mục tiêu sửa đổi Chỉ thị năng lượng tái tạo. Bao gồm: tham vọng tăng cường năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực chính (sưởi ấm, làm mát, giao thông, công nghiệp, tòa nhà...); đẩy mạnh triển khai và đầu tư vào năng lượng tái tạo; thêm các tiêu chí tăng cường năng lượng sinh học bền vững phù hợp với Chiến lược đa dạng sinh học của EU. Từ định hướng này, Việt Nam có thể tham khảo, áp dụng. Đó là giảm thiểu sử dụng than đá trong một số ngành, tận dụng hiệu quả tiềm năng của năng lượng, duy trì quy hoạch mạng lưới điện, tăng cường điện khí hóa và năng lượng tái tạo...
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các cơ quan của Liên minh châu Âu cùng thảo luận về Thỏa thuận xanh châu Âu và công nghiệp bền vững ở Việt Nam. Các đại biểu nhận định rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu nên việc chuyển dịch sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh là vô cùng cần thiết. Dù có những khó khăn bước đầu nhưng sẽ mang lại lợi ích về lâu dài.