EVN nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống

Thứ hai, 23/12/2019 | 10:04 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống ngành điện.

Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng thay mặt Chính phủ đã biểu dương và chúc mừng những thành tích mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, người lao động ngành điện đạt được trong suốt 65 năm qua.

“65 năm chiến đấu, xây dựng, phát triển và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo, công nhân viên và người lao động của ngành điện lực Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng, với tinh thần trách nhiệm cao, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. EVN đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước, qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành điện đã nỗ lực ưu tiên đưa điện đến với người dân ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Từ đó, góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

“Đến nay, 100% số xã và 99,25% số hộ dân nông thôn có điện, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, hiệu quả vận hành hệ thống điện được nâng cao, trong nhóm đứng đầu ASEAN và tiệm cận với các nước phát triển”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương.

Không chỉ có vậy, EVN cũng đã tích cực thực hiện tái cơ cấu, từng bước chuyển đổi hoạt động theo cơ chế thị trường, trong đó đã hình thành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức từ năm 2012 và thị trường bán buôn điện cạnh tranh vận hành từ năm 2019, loại bỏ các yếu tố bao cấp, tạo sự cạnh tranh, minh bạch hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nhằm đưa Việt Nam sớm trở thành nước cơ bản là công nghiệp theo hướng hiện đại, việc đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Do đó, yêu cầu đặt ra với ngành điện là: phải đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của nhân dân. Không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào. Để thực hiện yêu cầu này, trách nhiệm đặt ra đối với ngành điện, trong đó EVN đóng vai trò chủ đạo là hết sức nặng nề.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho EVN

Khó khăn là rất nhiều, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng tập thể cán bộ nhân viên lao đông ngành điện lực hôm nay, trong đó nòng cốt là EVN sẽ phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, viết tiếp những trang sử mới, góp phần tô thắm lá cờ truyền thống vẻ vang của ngành điện lực Việt Nam; chung tay phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày Truyền thống là niềm vinh dự, tự hào của toàn thể cán bộ, công nhân viên EVN; đồng thời cũng là sự động viên, khích lệ to lớn để Tập đoàn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Cũng theo Chủ tịch HĐTV EVN, việc đảm bảo cung ứng điện trong các năm tới gặp nhiều khó khăn, thách thức, Tập đoàn mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện nhiều hơn nữa của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. EVN xin hứa sẽ luôn nỗ lực phấn đấu, đoàn kết để tiếp tục ngày càng lớn mạnh, sẽ luôn là một doanh nghiệp có tinh thần trách nhiệm cao với sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, trong 65 năm qua, ngành điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc, hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết của Đảng là “đảm bảo điện đi trước một bước”.

EVN đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục. Trong đó, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2000 - 2019 là 12,5%. Riêng năm 2019, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 210 tỷ kWh, mức sử dụng điện bình quân đạt 2.180kWh/người/năm, tăng 7,6 lần so với năm 2010.

Bên cạnh đó, hạ tầng cung cấp điện đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ cả 3 khâu phát điện, truyền tải và phân phối kinh doanh điện. Từ chỗ chỉ có 31,5MW công suất (năm 1954), đến nay tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia khoảng 54.850MW, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới.

Những bước tiến thần kỳ của ngành điện lực Cách mạng Việt Nam còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Thủy điện Sơn La; đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc – Nam “xương sống” của hệ thống điện Việt Nam đã được bổ sung thêm mạch 2, mạch 3; lưới điện tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam được kết nối mạch vòng đảm bảo yêu cầu cung cấp điện an toàn và tin cậy.

EVN đã thực hiện tốt Chương trình điện khí hóa nông thôn. Đặc biệt, Tập đoàn đã đầu tư và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo, trong đó các đảo có vị trí chiến lược trên biển như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Tiên Hải... đều được đầu tư cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển.

Tập đoàn đã có nhiều đổi mới trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Đến nay, 100% dịch vụ điện của EVN đã đạt cấp độ 4 về các dịch vụ điện trực tuyến - cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ; EVN cũng đã cung cấp hợp đồng điện tử; kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, tăng tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho khách hàng…

Cùng với đó, chỉ số tiếp cận điện năng Việt Nam cũng có bước tiến vượt bậc, góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia/ nền kinh tế (tăng 129 bậc trong 6 năm qua).

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện thành công nhiều giải pháp đồng bộ cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN đã giảm từ 8,87% (năm 2013) xuống 6,5% (năm 2019) và đã tiệm cận với mức tổn thất điện năng của các nước phát triển.

Đặc biệt, theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, cán bộ công nhân viên ngành điện đã phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng và đã làm chủ nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều công trình nguồn và lưới điện quy mô lớn, phức tạp đã được đội ngũ cán bộ, kỹ sư trong nước thiết kế và tổ chức quản lý thi công, tiêu biểu như các Nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu; các đường dây, TBA siêu cao áp 500kV.

Công nghệ tự động hóa, kỹ thuật số cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và vận hành hệ thống điện, thị trường điện. EVN đã thực hiện điều khiển xa, không người trực cho 600/810 trạm biến áp 220 – 110kV…

“Hiện nay, EVN đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực, để sớm đưa EVN trở thành doanh nghiệp số”, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân nhấn mạnh.

PV