Giảm thiểu, tái chế rác thải ngư cụ gây ô nhiễm các vùng biển Việt Nam

Thứ sáu, 7/6/2024 | 16:30 GMT+7
Ngày 7/6, trường Đại học Osfalia (Đức) phối hợp với trường Đại học Nha Trang và các đối tác tại Việt Nam tổ chức cuộc họp thảo luận tiến độ dự án “Ngăn ngừa, giảm thiểu và tái chế rác thải ngư cụ gây ô nhiễm tại các vùng biển Việt Nam” (REVFIN).

Dự án REVFIN tập trung giải quyết vấn đề lưới thải ngư cụ ở các vùng biển của Việt Nam nhằm giảm lượng lưới đánh cá không được sử dụng đến, bị mất, bị loại bỏ, nâng cao nhận thức để tránh tổn thất ngư cụ cho các doanh nghiệp/ngư dân và cơ quan quản lý nghề cá cũng như toàn xã hội Việt Nam nói chung. Dự án hướng đến giảm tác động môi trường và tạo ra thị trường cho nguyên liệu thô tái chế từ các nguồn này nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín.

Ngăn ngừa, giảm thiểu và tái chế rác thải ngư cụ gây ô nhiễm tại các vùng biển Việt Nam

REVFIN có sự tham gia của các trường Đại học Nha Trang, trường Đại học Hạ Long, trường Đại học Kiên Giang, với các hoạt động nâng cao năng lực về tái chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đại dương cho giảng viên, sinh viên. Cụ thể, dự án tăng cường khả năng thiết kế chương trình giảng dạy hiện đại, vì môi trường cho đội ngũ giảng viên. Các khóa học tích hợp với truyền thông khoa học, là dịp để các trường đại học thực hiện tốt sứ mệnh lan tỏa kiến thức về bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Bên cạnh đó, dự án còn thu hút sự quan tâm và tạo cơ hội để các doanh nghiệp từ ngành nhựa Việt Nam, với khoảng 2.000 doanh nghiệp, có thể nhận được sự giúp đỡ để phát triển vật liệu tái chế và sản phẩm mới. Cơ hội này sẽ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam để giảm rác thải ra biển. 

Tại cuộc họp, các đại biểu cùng nghe cập nhật về tiến độ dự án; báo cáo tình hình thực hiện một số gói công việc chuyên môn của dự án như truyền thông, công bố quốc tế, kết quả xử lý dữ liệu, công tác đào tạo… Đồng thời, các đại biểu còn thảo luận về nhiều mục tiêu lớn gồm: giảm ngư cụ không sử dụng, bị mất hoặc bị loại bỏ bởi hoạt động đánh bắt ven biển; thực hiện chu trình kinh tế khép kín trong ngành thủy sản, hướng tới tạo ra thị trường cho nguyên liệu thô tái chế; thiết kế sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường.

Nhân dịp này, các đại biểu cũng tham gia khảo sát thực tế tại một số địa điểm: cảng Hòn Rớ, đảo Trí Nguyên, thăm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế…

Khả Như (T/H)