Phổ biến kiến thức về carbon rừng

Thứ tư, 5/6/2024 | 11:22 GMT+7
Ngày 4/6, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp Trung ương và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức hội thảo Giới thiệu kiến thức về carbon rừng tại tỉnh Phú Yên.

Đây là sự kiện đầu tiên trong loạt hội thảo và đối thoại về carbon rừng và tín chỉ carbon nhằm nâng cao nhận thức cho các chủ rừng.

Theo thông tin tại hội thảo, lâm nghiệp là lĩnh vực hấp thụ carbon chủ yếu, giúp cân bằng phát thải ròng của Việt Nam nhằm đạt các mục tiêu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Phát thải ròng trung bình năm giai đoạn 2010 – 2020 của ngành lâm nghiệp tương đương gần -40 triệu tấn CO2, là lĩnh vực có phát thải âm duy nhất và có tiềm năng phát triển thương mại tín chỉ carbon rừng rất lớn.

Phát triển tiềm năng thương mại tín chỉ carbon rừng

Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) cho biết, các biện pháp giảm phát thải trong lâm nghiệp bao gồm: bảo vệ rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi; bảo vệ rừng ven biển; phục hồi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; nâng cao chất lượng và trữ lượng carbon rừng tự nhiên nghèo; nâng cao năng suất và trữ lượng carbon của rừng trồng gỗ lớn; nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng carbon và bảo tồn đất; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Từ thực tiễn triển khai các hoạt động thương mại tín chỉ carbon rừng thời gian qua, các chuyên gia chỉ ra rằng, việc nâng cao năng lực là yếu tố quan trọng hàng đầu bởi kiến thức không chỉ giúp các bên liên quan nắm được quy định pháp luật, kiến thức chung mà còn hiểu được chuyên môn kỹ thuật để vận hành thương mại tín chỉ carbon một cách đúng đắn.

Vì vậy, các nhà quản lý, chuyên gia, chủ rừng, cơ quan lâm nghiệp địa phương đã cùng trao đổi, thảo luận về nhiều quy định pháp lý hiện hành cũng như định hướng carbon rừng, cơ hội và thách thức, các thị trường tiềm năng và bài học kinh nghiệm từ chương trình giảm phát thải ở Bắc Trung Bộ.

Theo đó, những thách thức chính chủ yếu hiện nay là do thiếu kiến thức về kiểm kê, minh bạch thông tin, thiếu nhận thức về khả năng hấp thụ carbon của các loại rừng và phương pháp quản lý khác nhau. Ngoài ra, cách tiếp cận để thực hiện và giám sát kết hoạch hấp thụ carbon vẫn chưa rõ ràng; chủ rừng và các cơ quan có thẩm quyền chưa có đầy đủ thông tin về tác động đối với khu vực rừng hoặc quyền carbon của chủ rừng.

Thời gian tới, ngành lâm nghiệp cần tăng cường truyền thông nhất quán và thường xuyên, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của toàn xã hội về thừa nhận các giá trị khác của rừng, không chỉ tín chỉ carbon mà còn về đa dạng sinh học, chống xói mòn đất, bảo vệ vùng ven biển... Các dự án carbon rừng cần có yêu cầu, điều kiện về an toàn xã hội, bao gồm sự tham gia, chia sẻ thông tin minh bạch, bình đẳng giới và tính đa dạng sinh học, đặc biêt trong bối cảnh quốc tế đang thúc đẩy phát triển tín dụng carbon có tính toàn vẹn cao.

Lâm Bảo (T/H)