Kinh tế xanh

Giúp doanh nghiệp tăng trưởng xanh nhờ Chỉ số khí hậu doanh nghiệp

Thứ hai, 29/6/2020 | 15:40 GMT+7
Chỉ số khí hậu doanh nghiệp (CBI) do Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp triển khai với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã giúp phát triển những mô hình kinh doanh xanh, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và xã hội, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững ở Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong lễ công bố Chỉ số khí hậu doanh nghiệp mới đây, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Tỉ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn 7% năm 2019. Tỉ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh đạt khoảng 94%, hộ được tiếp cận với điện đạt 99%. Tăng trưởng kinh tế ổn định, mức độ hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng toàn diện, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng cũng đang thay đổi theo hướng thông minh hơn, bền vững hơn. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm và yêu cầu cao hơn về vấn đề bảo vệ môi trường, tạo nên xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng mạnh mẽ.

Có thể khẳng định vấn đề môi trường và khí hậu hiện có liên quan chặt chẽ tới các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội và là tương lai bền vững của mỗi quốc gia. Do đó, phát triển bền vững, thân thiện môi trường hiện đang là xu hướng của các doanh nghiệp (DN) trên thế giới.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch và phát triển mạnh mẽ kinh tế xanh, Việt Nam cần phục hồi nền kinh tế xanh, với các gói kích cầu do Chính phủ đưa ra; chuyển đổi hướng tới các quá trình sản xuất bền vững hơn và sản xuất sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng; thúc đẩy các hành động về khí hậu để bảo vệ hành tinh. Đặc biệt, Việt Nam cần giảm rủi ro đại dịch trong tương lai và các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.

Nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích và hỗ trợ các DN phát triển hiệu quả, bền vững, bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

“Cần có nhiều DN biết đến và tham gia CBI để nâng cao nhận thức và có những hành động thiết thực hướng tới phát triển bền vững. Đây cũng là công cụ tốt để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá đúng thực trạng phát triển bền vững của DN Việt Nam, từ đó có các khuyến nghị xây dựng chính sách, góp phần giúp Việt Nam ngày càng phát triển được những mô hình kinh doanh xanh, tăng cường trách nhiệm của DN với cộng đồng và xã hội, hướng tới tăng tưởng nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhấn mạnh tại buổi lễ.

Với nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá, Bộ KH&ĐT đánh giá cao và cam kết phối hợp triển khai sáng kiến của UNDP tại Việt Nam về CBI.

Khánh An