Hà Nam tổ chức tập huấn về Luật Tài nguyên nước

Thứ năm, 8/8/2024 | 14:43 GMT+7
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho các tổ chức có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, nước là tài nguyên, nguồn lực đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam. Do đó, sự suy thoái về chất lượng nước, gia tăng vùng nước bị ô nhiễm... đã và đang là thách thức cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm gần đây. Dự báo, mức độ ảnh hưởng này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong các năm tiếp theo nếu không được quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, đầu tư đúng mức. 

Để tổ chức thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện rà soát, xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật; tuyên truyền, tập huấn Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Hà Nam tổ chức tập huấn Luật Tài nguyên nước cho các tổ chức có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn

Tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe các báo cáo viên thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT giới thiệu tổng quan về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của luật tài nguyên nước; tổng quan về những điểm mới của Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư 04/2024/TT-BTNMT quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư 05/2024/TT-BTNMT quy định về di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực.

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng lưu vực sông Hồng - Thái Bình cho biết, với 10 Chương và 86 Điều, Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua 4 nhóm chính sách gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương. Trong đó, Luật đã giao cho địa phương thực thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật (điều tra cơ bản, phương án khai thác trong quy hoạch tỉnh, lập, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng bảo hộ vệ sinh công trình lấy nước sinh hoạt, lập và ban hành danh mục hồ ao không được san lấp, dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh...). Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 2 nghị định, 3 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.

Trên cơ sở những văn bản được giới thiệu, các báo cáo viên đã trao đổi, giải đáp các câu hỏi, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, triển khai Luật Tài nguyên nước 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật tại địa phương; đặc biệt là những nội dung về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và những vấn đề trong thực tiễn khi áp dụng triển khai thi hành Luật tại địa phương.

Mộc Trà (T/H)