Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên nước

Thứ tư, 24/7/2024 | 14:28 GMT+7
Tại Hà Nội, trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường (TN&MT) vừa phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên nước cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Tại lớp bồi dưỡng, Phó Hiệu trưởng trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT Phạm Hải Bằng cho biết, khóa bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về tài nguyên nước đáp ứng các yêu cầu về công tác quản lý tài nguyên nước nói chung, đặc biệt là nâng cao năng lực thực thi Luật Tài nguyên nước 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật mới được ban hành.

Khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên nước cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

Tại khóa bồi dưỡng, các học viên được nghe bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng lưu vực sông Hồng - Thái Bình giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Tài nguyên nước 2023; những điểm mới của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Giới thiệu chung về hệ thống pháp luật tài nguyên nước, bà Nguyễn Thị Phương cho biết, việc thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 đánh dấu một bước tiến rất lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Ngay sau khi Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước và cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật với các nguyên tắc, yêu cầu như: đảm bảo hướng dẫn đầy đủ nội dung đã được Luật giao, đúng tinh thần của Luật đối với từng nội dung chính sách; đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước và quy định của pháp luật khác có liên quan; kế thừa, giữ lại những quy định còn phù hợp tại các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ điểm nghẽn và giải quyết những vấn đề bất cập, bảo đảm tổng thể, toàn diện, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, đảm bảo nguyên tắc tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; làm rõ trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc triển khai thi hành các chính sách, tránh chồng chéo, xung đột trong quá trình thực thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp; đơn giản hóa tối đa, minh bạch thủ tục hành chính, giảm yêu cầu về nội dung, hướng dẫn dễ hiểu, dễ áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật về tài nguyên nước. Đồng thời, phải lấy nội dung đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng chính sách từ Luật, nghị định và thông tư.

Trong khuôn khổ khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên nước, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng lưu vực sông Đông Nam Bộ giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước…

Trên cơ sở những nội dung được trình bày, các báo cáo viên dành thời gian chia sẻ, giải đáp những câu hỏi của học viên để đưa các quy định của Luật Tài nguyên nước 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật mới đến gần hơn với người lao động, đáp ứng các yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Gia Bảo (T/H)