Hoàn thành công trình cống ngăn mặn, cung cấp nước ngọt sinh hoạt tại Tiền Giang

Thứ hai, 21/10/2024 | 17:24 GMT+7
Ngày 21/10, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng dự án 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, công trình cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành đã hoàn thành sau gần 2 năm thi công.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành nằm trên kênh Nguyễn Tấn Thành, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành

Cống được xây dựng nằm cách sông Tiền hơn 400m với tổng mức đầu tư 518 tỉ đồng. Đây là công trình ngăn mặn lớn thứ hai tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau cống Cái Lớn - Cái Bé (tỉnh Kiên Giang).

Một điều đặc biệt của cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành so với các cống ngăn mặn trước là trong lúc đóng cống để bảo vệ vùng cây ăn trái phía trong thì tàu thuyền vẫn có thể qua lại nhờ hệ thống âu thuyền.

Theo đại diện Ban điều hành công trình dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng dự án 10, thời gian tàu đi qua hệ thống âu thuyền dự kiến mất gần 1 giờ đồng hồ. Dự kiến trong tháng 10/2024, đơn vị sẽ chuyển giao công trình này cho tỉnh Tiền Giang quản lý, vận hành.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành khi đi vào hoạt động sẽ có khả năng ngăn mặn, trữ nước ngọt sản xuất cho hơn 100.000ha vùng cây ăn trái tại hai tỉnh Tiền Giang và Long An; đồng thời cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho khoảng 800.000 người dân ở thành phố Mỹ Tho và các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, cùng với hệ thống cống ngăn mặn dọc theo sông Tiền được tỉnh Tiền Giang đầu tư, cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành góp phần bảo vệ vùng sản xuất cây ăn trái của tỉnh, nhất là cây sầu riêng tại huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.

Kim Bảo (T/H)