Lực lượng công an nhân dân tham gia vào công tác đảm bảo an ninh nguồn nước

Thứ sáu, 20/9/2024 | 11:11 GMT+7
Lực lượng công an các cấp cần tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong quy hoạch tài nguyên nước, xây dựng đập, hồ chứa nước, phát triển bền vững tài nguyên nước.

Đây là đề xuất của Thượng tá Hoàng Ngọc Hiếu, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An tại tọa đàm khoa học “Công tác công an trong đảm bảo an ninh nguồn nước tại Việt Nam hiện nay”. Tọa đàm được tổ chức tại Hà Nội, do Học viện An ninh nhân dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Bộ Công an tổ chức.

Trong buổi tọa đàm, các nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn trong và ngoài lực lượng công an nhân dân đã phân tích về tình hình tài nguyên nước và đi đến thống nhất rằng, an ninh nguồn nước ở Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ ô nhiễm với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Các nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn trong và ngoài lực lượng công an nhân dân tham gia tọa đàm

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn đặt vấn đề an ninh nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước là mối quan tâm hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững của đất nước, cũng như thực hiện cam kết quốc tế. Cơ quan chức năng Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả trong bảo đảm an ninh nguồn nước; tích cực thực hiện hợp tác quốc tế, khu vực nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.

Chia sẻ về những thách thức đặt ra đối với vấn đề an ninh nguồn nước tại Việt Nam, ông Bùi Dư Dương, Trưởng ban Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, Việt Nam đang phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ. Việc không chủ động được về nguồn nước dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường như bị động, khó quản lý nguồn nước, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, nước nhiễm phèn, ngập úng.

Bên cạnh đó, nhiều khu đô thị đang khai thác nước dưới đất quá mức khiến mực nước ngầm bị suy giảm liên tục, chưa có dấu hiệu phục hồi; biến đổi khí hậu cũng ngày càng cực đoan hơn, ảnh hưởng đến sự ổn định và khả năng phân bổ nguồn nước.

Mặt khác, cả nguồn nước mặt và nước dưới đất đều có dấu hiệu ô nhiễm khi còn 85% nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường.

Trước thực trạng trên, với kinh nghiệm thực tiễn từ địa phương, Thượng tá Hoàng Ngọc Hiếu, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước gồm: lực lượng công an cần tiếp tục nắm chắc tình hình để tham mưu cho chính quyền địa phương những giải pháp phù hợp; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong đảm bảo an ninh nguồn nước; tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về đảm bảo an ninh nguồn nước.

Tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong quy hoạch tài nguyên nước, xây dựng đập, hồ chứa nước, phát triển bền vững tài nguyên nước, xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra sự cố, phá hoại gây mất an ninh, an toàn nguồn nước; kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong quá trình thực hiện đề án, dự án, chương trình trên địa bàn sử dụng tài nguyên nước.

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân nhấn mạnh tại tọa đàm, buổi làm việc đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức công tác bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam, qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Theo cand.com.vn