Trong nước

Hội nghị Cấp cao ASEAN: Khẳng định tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng

Thứ năm, 12/11/2020 | 15:13 GMT+7
Ngày 12/11, Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao ASEAN với đối tác được tổ chức trọng thể tại Hà Nội.

Đây là hội nghị cấp cao cuối cùng của năm ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong cả năm, đồng thời đề ra những định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo.

Theo chương trình dự kiến, sẽ có 20 hoạt động ở cấp cao. Đây cũng là dịp duy nhất trong năm mà lãnh đạo ASEAN họp với lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của ASEAN như các hội nghị cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc, Australia và kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN - NewZeland, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản và Mekong - Hàn Quốc.

Lãnh đạo cấp cao 10 nước thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, đại diện đoàn ngoại giao các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và đại diện các Bộ, ban, ngành của Việt Nam dự sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Toàn cảnh buổi Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37

Phát biểu chào mừng hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, trong năm 2020, các nước ASEAN đều đã thể hiện bản lĩnh và quyết tâm, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Từ cam kết chính trị ở cấp cao nhất đến các biện pháp triển khai đồng bộ, nhịp nhàng của cả bộ máy cũng như giữa các quốc gia thành viên, chúng ta đã chứng kiến tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN được thể hiện mạnh mẽ trong phòng ngừa, kiểm soát, cũng như khắc phục hậu quả dịch Covid-19; đồng thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Niềm tin của người dân đối với khả năng ứng phó dịch bệnh của các chính phủ trong khu vực đều ở mức cao.

“Trong khi một số thể chế đa phương đang gặp nhiều thách thức, ASEAN đã thành công trong việc duy trì ổn định các hoạt động, giữ vững vai trò, vị thế của mình trong năm qua. Các đối tác tiếp tục coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Xu hướng đối thoại, hợp tác và liên kết có cơ sở ngày càng vững chắc trong bối cảnh khu vực và thế giới ngày nay”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, các nước ASEAN cần thể hiện bản lĩnh, tích cực phối hợp để hiện thực hóa những sáng kiến và kế hoạch phục hồi, với những phương thức hoạt động và hợp tác mới, thực chất và hiệu quả. Các khuôn khổ đối thoại và hợp tác ở khu vực với ASEAN giữ vai trò trung tâm càng cần được phát huy đầy đủ giá trị. ASEAN có thể đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa vào nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế và củng cố hệ thống đa phương quốc tế với Liên Hợp Quốc là nòng cốt.

Tại buổi khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: "Thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa thúc đẩy phục hồi, ASEAN sẽ chính thức thông qua tại hội nghị lần này Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai cụ thể cho cả 3 trụ cột. Các kế hoạch duy trì ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng, đẩy mạnh kết nối và khôi phục giao thương trong khu vực đang được khẩn trương thúc đẩy. Hình thành khuôn khổ đi lại an toàn cho doanh nhân, nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh. Trước mắt, chúng ta có thể xem xét mở lại Lối đi chung cho công dân ASEAN tại các cửa khẩu".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Đưa ra 4 định hướng ưu tiên trong giai đoạn tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước hết ASEAN cần tập trung nguồn lực và nỗ lực ở mức cao nhất để từng bước đẩy lùi nguy cơ dịch Covid-19, sớm có vacxin phòng bệnh cũng như phương thức điều trị hữu hiệu, nâng cao năng lực y tế dự phòng để đáp ứng tốt nhất với các tình huống y tế khẩn cấp, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. 

Bên cạnh đó, ASEAN cần xác lập vị trí của mình trong sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế - chính trị giữa các quốc gia, cũng như những điều chỉnh của chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh sẵn có của ASEAN cần được bổ sung thêm các giá trị của khoa học công nghệ tiên tiến, năng lực chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khả năng đa dạng hóa các thị trường đầu vào và đầu ra.

Thứ hai, phát triển đồng đều, bền vững, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là khi dịch bệnh, thiên tai đang đe dọa làm suy giảm tăng trưởng của cả khu vực. ASEAN khẳng định cam kết và tình đoàn kết trong thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và các quốc gia, gắn kết và hài hòa các nỗ lực phát triển tiểu vùng, như Mekong, khu vực phát triển Đông ASEAN với tiến trình phát triển chung của ASEAN.

Thứ ba, hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển. Ổn định chỉ có được khi quan hệ quốc tế được duy trì dựa trên luật lệ, các quốc gia cùng tôn trọng, hiểu biết, đối thoại, hợp tác và tin cậy lẫn nhau. ASEAN sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong dẫn dắt các tiến trình đối thoại và hợp tác sâu rộng ở khu vực; gắn kết sự tham gia, đóng góp của các đối tác vào các vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích chung, ứng phó hữu hiệu với các thách thức.

Cuối cùng, bản sắc và tình đoàn kết, gắn bó của Cộng đồng ASEAN càng cần được đề cao trong giai đoạn khó khăn, thử thách này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc thông qua Bản tường trình về bản sắc ASEAN, và các khuyến nghị của Hội đồng Điều phối ASEAN về khuyến khích treo cờ ASEAN tại các quốc gia thành viên, sử dụng ASEAN ca trong các hoạt động chính thức của ASEAN.

Thanh Tâm