Trong nước

Chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão số 10

Thứ ba, 3/11/2020 | 15:54 GMT+7
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương vừa có công điện số 8358/CĐ-PCTT ngày 03/11/2020 gửi tới các đơn vị yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão số 10, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Thực hiện Công điện số 35/CĐ-TW hồi 18g 02 /11/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão số 10, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, tiếp theo công điện số 8319/CĐ-PCTT ngày 02/11/2020 của Bộ Công Thương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương yêu cầu Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số: 1500/CĐ-TTg ngày 28/10/2020, 1503/CĐ-TTg ngày 29/10/2020 và công điện số 34/CĐ-TW ngày 31/10/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đồng thời tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ sau:

Đối với các chủ đập thủy điện: tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn để chủ động báo cáo cấp thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan có liên quan vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành đảm bảo an toàn công trình.

Bên cạnh đó, các chủ đập thủy điện cũng cần liên tục kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước… và khắc phục kịp thời những khiếm khuyết (nếu có) để có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải xả lũ.

Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm (hệ thống loa, còi, phát thanh, đèn, cột thủy trí, biển báo…) đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp.

Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo an toàn trong quá trình sửa chữa, khôi phục công trình điện lực

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam: chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trực thuộc Tập đoàn thực hiện các nội dung trên. Đảm bảo an toàn trong quá trình sửa chữa, khôi phục công trình điện lực; cung cấp điện ổn định cho các phụ tải quan trọng. Tập trung, huy động mọi nguồn lực để sửa chữa, khôi phục cung cấp điện trở lại nhanh nhất cho các khu vực khi đảm bảo điều kiện về an toàn.

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: thông báo cho các tàu thuyền, công trình dầu khí trên biển trong vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 10 để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản và công trình. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý các tình huống do bão gây ra, nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Đức Dũng