Kinh tế xanh

Israel chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn

Thứ ba, 24/9/2024 | 10:41 GMT+7
Ngày 23/9, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Thách thức và cơ hội cho phát triển kinh tế tuần hoàn – kinh nghiệm thực tiễn và sáng tạo từ Israel” tại Hà Nội.

Hội thảo là hoạt động cho thấy nỗ lực thúc đẩy đối thoại nâng cao, hợp tác thực tế giữa Chính phủ Việt Nam và Israel, cũng như khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời cho thấy sự cần thiết của các cam kết cùng hành động vì tương lai phát triển bền vững cho tất cả thế giới.

Doanh nghiệp Israel áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

Theo thông tin tại hội thảo, Israel là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực khởi nghiệp năng động, nổi bật với nhiều sáng kiến, giải pháp về tái chế, quản lý chất thải. Israel cũng đang dẫn đầu về công nghệ và các hoạt động giúp giảm tác động đến môi trường, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Trong khi đó, Việt Nam đang coi chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là định hướng chính của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam cũng lồng ghép các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào kế hoạch phát triển quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Cả Việt Nam và Israel đều đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nỗ lực phát triển kinh tế tuần hoàn theo từng thế mạnh của riêng mình. 

Để đánh dấu bước hợp tác mới giữa hai bên, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã trở thành thành viên của Trung tâm Kinh tế tuần hoàn Việt Nam. Trung tâm được thành lập dưới hình thức quan hệ đối tác công tư nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng tham gia vào hai phiên trình bày: Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và kinh nghiệm thực tế từ Israel; Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn tại Israel.

Trong phiên đầu tiên, bà Sharon Madel Artzy, Giám đốc điều hành Nền tảng kinh tế tuần hoàn Circular Ecomony (Israel) đã trình bày những thông lệ tốt nhất của Israel trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, từ việc xây dựng chính sách đến triển khai các dự án cụ thể. Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thông, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cung cấp thông tin chi tiết về chính sách kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, bao gồm các mục tiêu, chiến lược và chương trình hành động cụ thể.

Ở phiên thứ hai, 5 công ty công nghệ Israel tiên phong trong các lĩnh vực như tính tuần hoàn của nhựa, xử lý nước, sản xuất dệt may bền vững và năng lượng thông minh đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn cho đối tác Việt Nam. 

Bà Trần Thị Nguyệt, đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng có bài phát biểu về tầm quan trọng của tài trợ tài chính cho các sáng kiến kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ngọc Mai (T/H)