Trong nước

Kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên

Thứ bảy, 7/8/2021 | 14:36 GMT+7
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2021. Hội nghị thu hút sự tham dự của đại diện UBND, cơ quan chức năng các tỉnh/thành khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và một số địa phương phía Bắc. Ngoài ra còn có sự tham gia của 90 đại diện các Thương vụ Việt Nam tại 48 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, đại diện các kênh phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp thu mua xuất nhập khẩu trong nước; hơn 200 nhà nhập khẩu nước ngoài; trên 200 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thực phẩm khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện lượng hàng hóa nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc rất lớn. Theo số liệu thống kê của các Tổ công tác tiền phương, con số này lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn trái cây các loại như: thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, xoài, bưởi, cà phê, dứa, ca cao… khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị trực tuyến

Đại dịch đang làm gián đoạn khâu lưu thông, vận chuyển, làm thời gian vận chuyển hàng xuất khẩu kéo dài. Hàng hóa nằm chờ tại các cảng chậm xuất khẩu do thiếu tàu, thiếu container rỗng, cước phí tàu tăng gấp nhiều lần…

Do đó, việc cấp bách cần được thực hiện và thảo luận hiện nay là giải quyết khâu đầu ra cho nông sản ở các tỉnh thành. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị chức năng cần đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối truyền thống, vừa tập trung phát triển các kênh phân phối hiện đại, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến xuất khẩu ra thị trường ngoài nước, với phương châm “mở rộng thị trường mới, không bỏ rơi thị trường nội địa”.

Để tháo gỡ khó khăn trong khâu kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu, lãnh đạo các tỉnh Long An, Cà Mau, Đắk Lắk đề xuất, các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp, thống nhất giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau. Trước mắt, tỉnh Cà Mau đề nghị mỗi tỉnh cử ra một đầu mối để liên hệ, kết nối vấn đề tiêu thụ sản phẩm như: rà soát, xác định danh mục, sản lượng dự kiến các loại sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản cần bán, cần mua. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương.

Đưa ra giải pháp hỗ trợ các địa phương xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đức, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Đức Bùi Vương Anh cho rằng, tiềm năng của thị trường Đức còn rất lớn. Với việc tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định, cam kết đã ký kết trước đó, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung, của khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên nói riêng sẽ có cơ hội thâm nhập được sâu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tương đối khó tính này.

Nông sản khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên tại thị trường nước ngoài

Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Đức sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương để đưa các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam lên những kênh thương mại uy tín; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã được đưa vào thí điểm từ tháng 5 và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ xây dựng cũng như áp dụng hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn kết hợp văn hóa lịch sử, dấu ấn văn hóa trên nền tảng số (bên cạnh mô hình truyền thống) để quảng bá, góp phần tích hợp đa giá trị vào sản phẩm xuất khẩu.

Mặt khác, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng đưa ra đề xuất, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông lâm sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hoạt động ở các cảng cá… duy trì sản xuất, hoạt động trên cơ sở đảm bảo công tác phòng, chống dịch, duy trì sản xuất.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với nhau và địa phương đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước trên cả hai kênh truyền thống và hiện đại. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, nhà nhập khẩu, thương nhân ở nước ngoài để tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường mới, nhất là Đông Á, Nam Á, châu Âu, Mỹ, Australia…

Hơn nữa, Bộ trưởng cũng kêu gọi các nhà phân phối, tập đoàn kinh doanh thương mại, tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước, sàn giao dịch điện tử, kênh thương mại trên nền tảng số, nhà xuất khẩu, nhập khẩu, thương nhân vào cuộc thật sự quyết liệt và sáng tạo để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm trong hoàn cảnh đặc biệt.

Thanh Tâm