Khai thác và bảo vệ tài nguyên nước khi dòng chảy về ĐBSCL sụt giảm

Thứ ba, 8/3/2022 | 12:39 GMT+7
Theo bản tin về diễn biến tài nguyên nước khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được xuất bản đầu tháng 3/2022, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, dòng chảy về ĐBSCL tiếp tục bị sụt giảm mạnh nên hiện tượng xâm nhập mặn vùng ven biển tiếp tục tăng.

Cụ thể, số liệu thực đo tại trạm Chiềng Sẻn (là trạm đầu tiên của hệ thống quan trắc thủy văn của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế nhằm giám sát dòng chảy từ Trung Quốc xả về hạ du) cho thấy, trong tháng 2/2022 mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,2m đến 1,1m. Trong 3 tuần đầu của tháng, mực nước tại trạm duy trì ở mức 1,6 - 1,8m, trong tuần tiếp theo mực nước tăng lên và duy trì ở mức khoảng 2,2m do Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng tăng cường xả nước, sau đó giảm dần và hiện đang ở mức 2m.

Lưu lượng tại Chiềng Sẻn của 3 tuần đầu tháng 2/2022 duy trì ở mức khoảng 800m3/s, tuần tiếp theo tăng lên tới khoảng 1200m3/s. Tổng lượng dòng chảy ở mức 2,1 tỷ m3, đạt 67% giá trị TBNN và thấp hơn với tổng lượng dòng chảy cùng kỳ năm 2021 khoảng 12%.

Số liệu thực đo tại trạm Kra-chê (Campuchia) cho thấy, trong tháng 2/2022 mực nước tiếp tục giảm nhẹ từ 7,4m xuống khoảng 6,9m. Diễn biến mực nước cho thấy, có thời gian ngắn đầu tháng mực nước đạt giá trị xấp xỉ với giá trị TBNN, nhưng sau đó giảm xuống thấp hơn so với TBNN 0,2 - 0,7m và đến cuối tháng giữ ở mức tương đương với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù lượng mưa lớn so với giá trị TBNN trên phần lớn hạ lưu vực sông Mê Kông nhưng do hiện đang là mùa khô nên giá trị tổng lượng mưa thấp, phần lớn lượng mưa này được tích trong lưu vực chưa tạo nên dòng chảy đóng góp cho dòng chính. Do đó, lưu lượng dòng chính sông Mê Kông qua trạm Kra-chê trong tháng 2/2022 vẫn giảm dần từ khoảng 3.500 m3/s xuống 2.800 m3/s. Tổng lượng dòng chảy đạt 7,2 tỷ m3, khoảng 91% so với TBNN, nhưng vẫn lớn hơn tổng lượng cùng kỳ năm 2021 khoảng 10%.

Dòng chảy sông Mê Kông về ĐBSCL tiếp tục bị sụt giảm mạnh

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cùng các cơ quan liên quan sẽ định hướng phân vùng chức năng của nguồn nước, gồm chuyển từ phương thức đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu, phân bổ dựa trên khả năng của nguồn nước. Ưu tiên phân vùng chức năng nguồn nước hiện đang được sử dụng cho các mục đích chính như nước sinh hoạt, nước phục vụ tưới tiêu, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường và duy trì ranh mặn vào mùa khô/kiệt.

Định hướng hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước để nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới quan trắc tài nguyên nước đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và toàn diện, đảm bảo việc kết nối và chia sẻ thông tin liên tục, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đầu tư xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước tập trung, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo công tác quản lý và vận hành hệ thống.

Định hướng công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước gồm: thí điểm công trình điều tiết dòng chảy ở một số khu vực thường xuyên bị thiếu nước, khan hiếm nước về mùa khô; xác định các vùng có khả năng trữ nước lũ ở các vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, vùng có khả năng trữ nước mưa ở các vùng ven biển và bán đảo Cà Mau; xây dựng các hồ chứa nước và nghiên cứu các biện pháp công trình trữ nước trong sông, kênh, rạch.

Đồng thời, định hướng ưu tiên phân bổ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước giúp phân bổ nguồn nước đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt. Bảo đảm thứ tự ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành sản xuất có hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Phân bổ theo nhu cầu tối thiểu của từng đối tượng sử dụng nước. Đề xuất phương án cắt giảm nhu cầu sử dụng nước của từng đối tượng sử dụng nước theo tỷ lệ phù hợp, bảo đảm thứ tự ưu tiên. Thực hiện việc điều hòa phân phối nước bảo đảm an ninh về nước cho các vùng/lưu vực sông đặc biệt khan hiếm nước. Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin, dữ liệu nguồn nước Mê Kông. Triển khai xây dựng mạng lưới các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng; tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp tại các địa phương trong vùng.

Cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước chính trên lưu vực sông; chủ động về nguồn nước hiện có cho các mục đích sử dụng nước, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn. Quản lý hệ thống thủy lợi tưới tiêu một cách hợp lý, tránh gây ô nhiễm, tù đọng làm suy giảm chất lượng nước mặt.

Thanh Bảo