Trong nước

Khó đạt mục tiêu thành lập 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Thứ ba, 28/4/2020 | 13:33 GMT+7
Ngày 28/4, tại họp báo Công bố sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê đã công bố một số dữ liệu về tình hình doanh nghiệp năm 2019, đồng thời đưa ra dự đoán, mục tiêu thành lập 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ khó có thể hoàn thành được.

Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018.

Năm 2019, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục trên 138.139 doanh nghiệp, tăng 5,2% so với năm 2018. Khu vực dịch vụ có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất với 99.548 doanh nghiệp, tăng 5,1%. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 36.562 doanh nghiệp, tăng 5,3%; khu vực nông, lâm và thủy sản có 2.029 doanh nghiệp, tăng 9,9%.Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới đạt 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018.

Số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục trong năm 2019. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cũng trong năm 2019, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 28.731 doanh nghiệp, tăng 5,9%. Các ngành có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất có thể kể đến các lĩnh vực như: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 15.996 doanh nghiệp (chiếm 36,6%); xây dựng có 6.058 doanh nghiệp (chiếm 13,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo có 5.376 doanh nghiệp (chiếm 12,3%).

Đồng bằng sông Hồng là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất với 14.390 doanh nghiệp (chiếm 33%); khu vực Đông Nam Bộ có 14.035 doanh nghiệp (chiếm 32,1%).

Năm 2019, cả nước có 16.840 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thế, tăng 3% so với năm 2018. Cụ thể, có 28/63 địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể cao hơn bình quân chung cả nước, trong đó có 3 địa phương có số doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể trên 1.000 doanh nghiệp: Cà Mau có 1.439 doanh nghiệp (tăng 38,29%), Hà Nội có 2.110 doanh nghiệp (tăng 24,3%), TPHCM có 5.146 doanh nghiệp (tăng 23,5%).

Đại diện Tổng cục thống kê công bố một số dữ liệu về tình hình doanh nghiệp trong họp báo Công bố sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020

Được biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng lên của các doanh nghiệp chờ giải thể là do bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm. Đặc biệt, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Nguyễn Bích Lâm dự đoán, mặc dù năm 2019, tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế là gần 800.000 doanh nghiệp nhưng năm 2020, khi vừa bước qua đại dịch Covid-19, việc thành lập doanh nghiệp mới sẽ trở nên vô cùng khó khăn. "Chúng tôi nghĩ rằng mục tiêu thành lập 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là khó thể đạt được", Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết.

Ông Lâm cho biết thêm: “4 tháng đầu năm 2020, số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm so với cùng kỳ năm trước, chỉ bằng 86,8% so với 1 tháng của năm 2019. Vốn đăng ký chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ; đăng ký về lao động cũng chỉ đạt 70,3%; vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp cũng giảm”.

Trong họp báo Công bố sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê đã đề ra các nhóm giải pháp đối với cơ quan Nhà nước, địa phương, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, để khắc phục tình trạng này. Ông đặc biệt nhấn mạnh, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước, chủ động tìm kiếm nguồn lực, xây dựng và triển khai các mô hình kinh doanh bền vững, nâng cao chất lượng hoạt động. 

Ngân Hoa