Trong nước

Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục nhanh sau sụt giảm

Thứ tư, 15/4/2020 | 02:10 GMT+7
Sau sự sụt giảm chưa từng có trong gần 20 năm qua hồi tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định đang hồi sinh. Ngày 31/3, thị trường chứng khoán có gần 2,44 triệu tài khoản, tăng 32.140 tài khoản so với cuối tháng 2/2020.

VN-Index kết thúc tháng 3 đạt 662,53 điểm, giảm 31,2% so với sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Tuy nhiên, VN-Index đã tăng 7 phiên và chỉ điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần qua (10/4). Hiện, VN-Index ở mốc 757,94 điểm, phục hồi hơn 14,4% so với cuối tháng 3. Có thể nói, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hồi sinh sau cú sập chưa từng có kể từ năm 2001.

Bên cạnh đó, P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) bình quân của thị trường chứng khoán Việt Nam xấp xỉ 11 lần, thấp hơn so với mức P/E trung bình 5 năm - 14 lần.

Ruchir Desai, một nhà quản lý quỹ tại Asia Frontier Capital Ltd. cho biết, thị trường dường như đang kỳ vọng vào báo cáo thu nhập năm 2020, khi một số doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng. Sự gia tăng gần đây của thị trường chứng khoán cho thấy sự bật lên khỏi những tác động ngắn hạn liên quan đến đình trệ trong xuất khẩu, du lịch cũng như mức thu nhập trong thời gian gần đây.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần phục hồi và trở thành thị trường chứng khoán tốt nhất thế giới theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày 31/3 có gần 2,44 triệu tài khoản chứng khoán, tăng 32.140 tài khoản so với cuối tháng 2; trong đó, tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng 31.832 đơn vị, cao nhất từ tháng 3/2018. Tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 117, cao nhất từ thời điểm tháng 3/2017.

Dòng tiền nội đứng ngoài thị trường là rất lớn vì vậy lực cầu nội tiềm năng tham gia giải ngân mới cũng sẽ khiến thị trường chứng khoán phục hồi ổn định hơn để đối trọng với việc khối ngoại bán ra.

Ông Lê Ngọc Nam, Phó trưởng phòng Phân tích, công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, khối ngoại không chỉ bán ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam, họ bán ròng gần như ở tất cả các thị trường trong khu vực Đông Nam Á. Theo quan sát, lượng bán ròng trong thời gian trở lại đây đã lấy đi một lượng bằng 6 - 7 năm mua ròng trước đó đối với thị trường khu vực Đông Nam Á. Ông cho rằng, trong thời gian tới vẫn có thể có việc bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường do đó các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng hơn.

Tuy nhiên, VN-Index cũng xác lập kỷ lục giảm lên tới 31% trong năm 2020 vào ngày 24/3, đẩy nó xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016. Dù đã tăng tới 15% kể từ mốc đó nhưng xét về kỹ thuật, VN-Index vẫn đang ở trong lãnh thổ thị trường gấu (bear marke - chỉ những thị trường đang lao dốc). Hàng loạt thị trường Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng đang trong tình trạng tương tự.

Tính tới giờ giải lao trong phiên giao dịch trưa 14/4, VN-Index đã giảm 37% so với đỉnh nó đã xác lập năm 2018.

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược công ty CP Chứng khoán Dầu khí cho biết, đây là tín hiệu đáng báo động phản ánh việc rút vốn cũng như chiến lược cơ cấu, thoái vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài như Mỹ, Italy, Nhật, Đức, Tây Ban Nha... đang hoạt động tại Việt Nam.

Các ngành nghề dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu chưa thể có những đột phá trên thị trường chứng khoán. Cần thêm thời gian để phục hồi kinh tế cũng như củng cố niềm tin của nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư ngoại quay trở lại.

Việc các cổ phiếu tốt giảm quá mức so với giá trị thực, giá trị sổ sách là cơ hội mua vào cho dù ngay cả thị trường chứng khoán có những lúc giao dịch ảm đạm. Điều này có nghĩa rằng nhà đầu tư vẫn nên theo đuổi phương pháp đầu tư vào giá trị ở từng cơ hội, từng cổ phiếu riêng lẻ hơn là quan tâm đến xu hướng thị trường hay việc theo đuổi theo trào lưu lướt sóng.

Khả Di (t/h)