Khoác áo mới cho đại ngàn Tây Nguyên

Thứ tư, 24/2/2016 | 14:40 GMT+7
Qua 5 năm thành lập, 2 nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 3 (công suất 180MW) và Thuỷ điện Đồng Nai 4 (công suất 340MW) do Công ty Thuỷ điện Đồng Nai quản lý, vận hành được đánh giá là an toàn, hiệu quả, ổn định, đóng góp lớn cho ngân sách, giúp thay đổi diện mạo nông thôn vùng đại ngàn Tây Nguyên.

Sản xuất hiệu quả

Qua 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, về kết quả sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2011 - 2015, từ sản lượng 256,7 triệu kWh (2011), năm 2012, công ty sản xuất đạt 1,458 tỷ kWh, năm 2013 đạt 1,669 tỷ kWh, năm 2014 đạt 1,893 tỷ kWh và năm 2015 đạt 1,558 tỷ kWh.

Đặc biệt, tổng doanh thu của Công ty từ 314 tỷ đồng năm 2011 đã đạt 1.886 tỷ đồng vào năm 2012 và năm 2015 đạt 2.055 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước qua các năm cũng tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2011 nộp 24,4 tỷ đồng; năm 2012 nộp ngân sách 175,4 tỷ đồng; năm 2013 nộp 218,8 tỷ đồng; năm 2014 nộp 320,2 tỷ đồng và năm 2015, Công ty nộp ngân sách đạt 278,24 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Cúc - Giám đốc (giữa) chỉ đạo công tác vận hành sản xuất

Về công tác quản lý vận hành, chưa để xảy ra  sự cố chủ quan ảnh hưởng đến vận hành, sản xuất, hệ số khả dụng các tổ máy đều đạt trên 92%, cao hơn quy định.

Năm 2015, trên cơ sở số liệu của hệ thống đo đếm điện năng, tỷ lệ điện tự dùng của hai nhà máy là 0,73. Tỷ lệ này thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là 0,97.

Từ 2014, được Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) giao kế hoạch tối ưu hóa chi phí cho từng đơn vị và trong hai năm 2014-2015, Công ty đã thực hiện vượt kế hoạch   tối ưu hóa chi phí do EVNGENCO 1 yêu cầu.

Làm chủ thiết bị

Thời gian qua, lực lượng sữa chữa thiết bị của Công ty ngoài tự thực hiện các công tác đại tu, trung tu các tổ máy phát điện của nhà máy Đồng Nai 3-4 còn nhận và thực hiện các hợp đồng dịch vụ bên ngoài như tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị nhà máy điện; thi công lắp đặt trạm đến cấp điện áp 220kV; thi công  lắp đặt nhà máy thủy điện; đại tu sữa chữa thiết bị các nhà máy điện. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, Công ty Thuỷ điện Đồng Nai có thế mạnh trong công tác thí nghiệm hiệu chỉnh các trạm biến áp, các nhà máy thủy điện. Trong năm 2014-2015 đã thực hiện thí nghiệm hiệu chỉnh cho các nhà máy thủy điện Hát Lìu, Ankoret, Thuỷ điện Đồng Nai 2 và Thuỷ điện Đồng Nai 5.

Ông Ngô Văn Sỹ (PGĐ Công ty, áo trắng, ngồi) chỉ đạo nhóm tư vấn giám sát, thí nghiệm, hiệu chỉnh và tổ chức chạy máy cho nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2

“Bước sang năm 2016, dự kiến sẽ thí nghiệm hiệu chỉnh để đưa từ 4 đến 6 nhà máy thủy điện mới vào vận hành; tạo được uy tín trong lĩnh vực sửa chữa thiết bị điện, một lĩnh vực đang có sự cạnh tranh này càng mạnh mẽ” - Phó Giám đốc Công ty Ngô Văn Sỹ chia sẻ.

Nhìn lại chặng đường 5 năm đã qua, Giám đốc Công ty Phạm Văn Cúc nói: Sau 5 năm thành lập (14.2.2011 - 14.2.2016) với sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ công nhân viên, Công ty đã có bộ máy hoạt động đủ năng lực tiếp quản, vận hành và sửa chữa an toàn 4 tổ máy với công suất 520MW, sản xuất được 6,8 tỷ kWh điện, góp phần đáng kể để hạn chế việc thiếu hụt điện của hệ thống điện; góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách của địa phương. Công ty tích cực tham gia hỗ trợ các nhà máy điện khác trong công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị nhằm tận dụng tối đa năng lực hiện có, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí cho từng đơn vị.

Toàn cảnh hồ, đập thủy điện Đồng Nai 4

Ứng dụng công nghệ, quản lý chất lượng

Cũng theo ông Cúc, về nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ mới, năm 2012, Công ty có 5 sáng kiến, cải tiến; năm 2013 là 18 sáng kiến, cải tiến; năm 2014 lên 10 sáng kiến; năm 2015 có 12 sáng kiến.

Công ty ổn định tổ chức với bộ máy quản trị tinh gọn gồm ban lãnh đạo Công ty (2 người), 4 phòng nghiệp vụ và 2 phân xưởng, giảm 1 phòng và 1 phân xưởng so với quyết định của EVN. Tổng số lao động của Công ty tính đến thời điểm này vẫn duy trì ở mức 172 người.

“Công ty đã hoàn thành việc ban hành đầy đủ các quy trình, quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý, vận hành 2 nhà máy, hoàn thành xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 và được đánh giá cấp giấy chứng nhận. Lãnh đạo Công ty đã quyết định xây dựng Công cụ cải tiến năng suất Kaizen/5S và được cấp giấy chứng nhận vào tháng 8.2014. Toàn bộ CBCNV cam kết thực hiện chi phí hàng năm tiết kiệm từ 3 - 5%. Những năm gần đây đều trên 5%” – Phó Giám đốc Công ty Ngô Văn Sỹ nói.

Theo quan sát của chúng tôi, tại Công ty, các tổ chức Công đoàn, Đoàn thành niên, Ban nữ công… sớm và phát triển mạnh mẽ, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như tham gia tốt các mặt công tác và phòng trào do Đảng ủy Khối doanh nghiệp công nghiệp Trung ương tại TP.HCM phát động.

Trần Ngọc Thọ