Kiến tạo các thành phố thân thiện với môi trường

Thứ sáu, 4/10/2024 | 10:41 GMT+7
Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh là cách tiếp cận để kiến tạo những thành phố thân thiện với môi trường bằng cách giảm chất thải, khí thải; thúc đẩy việc tạo ra các không gian xanh, sử dụng vật liệu xây dựng bền vững và hỗ trợ phương tiện di chuyển không phát thải.

Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề 3 “Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh” trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 3/10, ông Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết: Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh là cách tiếp cận để kiến tạo những thành phố thân thiện với môi trường bằng cách giảm chất thải, khí thải; thúc đẩy việc tạo ra các không gian xanh, sử dụng vật liệu xây dựng bền vững và hỗ trợ phương tiện di chuyển không phát thải. Đô thị xanh giảm thiểu tối đa việc sử dụng năng lượng, nước và vật liệu ở mỗi giai đoạn trong tiến trình xây dựng và vận hành của mỗi khu đô thị, mỗi thành phố.

Tốc độ đô thị hóa đang gia tăng trên phạm vi toàn thế giới, hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở các thành phố. Điều này dẫn đến sự mở rộng đô thị tràn lan, ùn tắc giao thông, ô nhiễm. Quy hoạch và phát triển đô thị xanh giúp giải quyết những vấn đề của đô thị, thúc đẩy các giải pháp tạo ra nhiều lợi ích về môi trường và xã hội bao gồm: tăng cường khả năng hấp thụ khí thải của các thành phố, giúp giảm nhiệt độ đô thị một cách tự nhiên. Các giải pháp giao thông xanh giúp cắt giảm khí thải giảm ô nhiễm không khí, giảm tiếng ồn và các yếu tố gây căng thẳng; giúp cải thiện sức khỏe người dân và thúc đẩy phúc lợi cộng đồng; cải thiện giá trị bất động sản.

Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh là cách tiếp cận để kiến tạo những thành phố thân thiện với môi trường. (Ảnh minh họa)

Quy hoạch và phát triển đô thị xanh còn là giải pháp đối phó với thách thức mới về biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tại Việt Nam, quy hoạch và phát triển đô thị xanh được coi là mục tiêu và giải pháp quan trọng trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, nhất là nghị quyết 06/NQ-TW năm 2022 của Bộ Chính trị về xậy dựng quy hoạch và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chương trình hành động triển khai các nghị quyết, chiến lược của Đảng và Chính phủ về lĩnh vực tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển đô thị bền vững; triển khai nhiều hoạt động, dự án hợp tác, công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này.

Tại hội thảo, các diễn giả chia sẻ nhiều nội dung về không gian hạ tầng xanh và giải pháp kỹ thuật được thiết kế, xây dựng nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống; các yếu tố đa dạng của hạ tầng xanh bao gồm: không gian xanh (công viên, vườn hoa, cây xanh đường phố, vườn trên mái, tường xanh...), hệ thống thoát nước bền vững (hồ điều hòa, kênh rạch, mương thoát nước kết hợp không gian xanh, hệ thống thu gom nước mưa...).

Hạ tầng xanh mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đô thị như cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao sức khỏe cộng đồng và nâng cao giá trị bất động sản. Cụ thể, cây xanh giúp hấp thụ CO2, lọc bụi, giảm ô nhiễm không khí, điều hòa khí hậu, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Hệ thống thoát nước và không gian xanh giúp giảm thiểu ngập úng, xói mòn, sạt lở đất. Không gian xanh cũng là nơi để người dân vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, giảm căng thẳng. Các khu vực có hạ tầng xanh phát triển thường có giá trị bất động sản cao hơn.

Theo bà Lê Thúy Hà, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, việc phát triển đô thị xanh bền vững đòi hỏi một hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đạt hiệu quả sinh thái cao. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch hạ tầng đô thị với tầm nhìn dài hạn từ 30 - 50 năm và quan điểm thân thiện với môi trường bởi cơ sở hạ tầng đô thị thường có tuổi thọ dài và khó thay đổi sau khi xây dựng.

Một hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị bền vững sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính, góp phần tạo nên các đô thị xanh, đáng sống, bà Lê Thúy Hà chia sẻ.

Đức Dũng (t/h)