Hướng tới phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp

Thứ ba, 27/8/2024 | 09:00 GMT+7
Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị có chức năng tổng hợp theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu, tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 đạt trên 50%; năm 2050 đạt 70%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%. Xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 - 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới; phân bố hợp lý, đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng; dựa trên định hướng khung hạ tầng giao thông quốc gia, liên kết ngành lĩnh vực, đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Phát triển đô thị có chức năng tổng hợp theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, phát triển đô thị vừa và nhỏ trong mối quan hệ chặt chẽ, chia sẻ chức năng với các đô thị lớn, giảm dần khoảng cách phát triển giữa các đô thị. Chú trọng phát triển các đô thị nhỏ, vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị, nông thôn. Phát triển các mô hình đô thị đặc thù như đô thị chuyên ngành là trung tâm quốc gia hoặc cấp vùng về văn hoá, di sản, du lịch, đại học, sáng tạo, khoa học, kinh tế cửa khẩu; đô thị biên giới, biển đảo.

Phát triển đô thị có chức năng tổng hợp theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Hình thành mạng lưới đô thị thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Phát triển hệ thống đô thị ven biển và hải đảo theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Chú trọng phát triển đô thị trên cơ sở bảo tồn, phát huy các yếu tố di tích lịch sử, di sản văn hóa. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, chia sẻ của mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao trên từng địa bàn đô thị, nông thôn.

Theo quy hoạch, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).

8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).

Quy hoạch cũng ban hành Danh mục 42 đô thị loại I, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng có 11 đô thị, vùng trung du và miền núi phía Bắc có 5 đô thị, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 7 đô thị, vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, vùng Đông Nam Bộ có 5 đô thị, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 11 đô thị. Có 50 đô thị loại II, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng có 10 đô thị, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 11 đô thị, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 11 đô thị, vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, vùng Đông Nam Bộ có 8 đô thị, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 7 đô thị.

Lan Anh