Nghiên cứu - Trao đổi

Làm sạch nước thải từ vỏ trấu và hạt chùm ngây

Thứ ba, 8/2/2022 | 15:54 GMT+7
Trước tình trạng kháng sinh tồn lưu trong nước thải gây nguy hiểm cho con người, động vật và môi trường, hai nữ sinh trường Đại học Khoa học tự nhiên đã thiết kế bề mặt hấp phụ xử lý dư lượng kháng sinh trong nước thải với các thành phần nanosilica và protein từ vỏ trấu và hạt chùm ngây.

Từ khi còn là sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Vũ Thị Ngần và Trương Thị Thùy Trang đã quan tâm đến tình trạng kháng sinh tồn lưu trong nước thải gây nguy hiểm cho con người, động vật và môi trường. Do đó, nhóm đã bắt tay vào nghiên cứu một phương pháp giúp giải quyết tình trạng trên. Mục tiêu của nhóm là thiết kế một bề mặt có khả năng hấp phụ hai loại kháng sinh có hàm lượng dư thừa cao trong nước thải là CFX (Ciprofloxacin) và CEF (Cefixim) nhờ vật liệu nanosilica (chiết xuất từ vỏ trấu) và protein (chiết xuất từ hạt chùm ngây).

Trang cho biết, sở dĩ nhóm chọn vỏ trấu để nghiên cứu là vì có chứa hàm lượng nanosilica rất cao. Còn hạt chùm ngây là một loài thực vật rẻ, phổ biến, có chứa hàm lượng protein cao, dễ tách chiết. Trải qua gần 2 năm nghiên cứu, làm thí nghiệm, nhóm đã chế tạo thành công nanosilica từ vỏ trấu và protein từ hạt chùm ngây.

Vỏ trấu và hạt chùm ngây được sử dụng để xử lý kháng sinh trong nước thải

Nhóm nghiên cứu chia sẻ, phương pháp được nhóm áp dụng là phương pháp hấp phụ. Đây là phương pháp phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam bởi chi phí thấp và hiệu quả cao.

Khi thử nghiệm vật liệu vào thực tế, nhóm thu được kết quả rất khả quan với 80% dư lượng kháng sinh CEF và trên 73% kháng sinh CFX được xử lý. Thử nghiệm xử lý kháng sinh có trong mẫu nước thải tại bệnh viện cũng cho hiệu suất đạt 70%.

Trong tương lai, nhóm dự định làm thêm về vật liệu nanosilica bên ngoài bọc kẽm giúp hấp phụ thêm nhiều chất khác.

Hai nữ sinh hy vọng, đây sẽ là giải pháp tiết kiệm, đơn giản để áp dụng trong quy mô công nghiệp. Thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý nước thải do tốn kém chi phí. Việc tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp giá rẻ vào xử lý nước thải công nghiệp vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ nguồn nước.

Được biết, đề tài của nhóm đã được công bố trên tạp chí quốc tế và giành giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường, giải khuyến khích nghiên cứu khoa học cấp Bộ, giải nhì cuộc thi Nâng cao nhận thức về hóa học xanh trong sinh viên năm 2021.

Theo vnexpress.net