Nghiên cứu - Trao đổi

Tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia

Thứ ba, 14/12/2021 | 01:19 GMT+7
Ngày 13/12, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.

Tại lễ tổng kết, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, đã có trên 257 nhiệm vụ khoa học công nghệ được triển khai, hơn 9.700 cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành từ 155 đơn vị chủ trì, hàng trăm tổ chức trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020. Qua đây, nhiều kết quả đã được ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ cho ngành, địa phương doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể, chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KX.01) đã đưa ra nhiều kiến nghị, chắt lọc từ nhiệm vụ phục vụ soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng; các chương trình nổi bật thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (KC) đã cho ra khoảng 469 sản phẩm, 103 thiết bị, máy móc, 85 vật liệu mới, 31 dây chuyển công nghệ, 69 mẫu, mô hình, 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ như cây trồng, chủng nấm...

Bên cạnh đó, chương trình cũng xây dựng 384 giải pháp, quy trình công nghệ, 90 cơ sở dữ liệu, 60 phần mềm, với nhiều kết quả đã ứng dụng vào thực tiễn như hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa, quy trình công nghệ xử lý bùn thải, công nghệ xử lý sinh học hiếu khí chất thải rắn sinh hoạt; giải pháp chống hạn, giảm thiểu xâm nhập mặn và trữ nước ngọt cho vùng hạ du đồng bằng sông Hồng - Thái Bình...

Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đạt được nhiều kết quả đáng kể trong nhiều lĩnh vực

Đáng lưu ý, một số công trình khoa học trong khuôn khổ chương trình được đăng trên tạp chí khoa học uy tín quốc tế đã tăng mạnh về số lượng so với giai đoạn trước. Các nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng mở rộng tiếp cận tới vấn đề được quan tâm ở tầm thế giới như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT).

Chia sẻ thêm về kết quả đáng ghi nhận của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, GS.TS Phạm Gia Khánh, chủ nhiệm chương trình KC.10 cho biết, chương trình KC.10 đã cho ra quy trình kỹ thuật ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não. Việc các nhà khoa học thực hiện thành công các ca đầu tiên ghép phổi đã mở ra một hướng điều trị mới cho bệnh phổi giai đoạn cuối ở Việt Nam. Ghép phổi thành công là bước đi tiếp theo chấm dứt sự tụt hậu của ghép tạng Việt Nam, đưa kỹ thuật ghép tạng nước ta tiếp cận với các nước có nền y học tiên tiến.

Phát biểu tại lễ tổng kết, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025 hướng tới 2030, chương trình sẽ được tái cơ cấu bên cạnh các định hướng nghiên cứu về lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, giai đoạn mới bổ sung nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn, dân tộc, vùng, địa phương. Đặc biệt, hướng tới công nghiệp 4.0, công nghệ cao, công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ số và đô thị thông minh, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, lưu trữ năng lượng, công nghệ vũ trụ và bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gene.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính nhấn mạnh, giai đoạn mới sẽ được tái cơ cấu dựa trên căn cứ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường là chủ thể nghiên cứu, thu hút các nguồn lực xã hội. Các nhiệm vụ cần đảm bảo không trùng lặp về nội dung và phân bổ nguồn lực, dựa theo tiêu chí có tính ứng dụng cao, ưu tiên phát triển mô hình sinh kế gắn với đặc thù vùng, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, những kết quả chương trình trọng điểm đạt được góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành trong những năm qua. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian tới Bộ sẽ hoàn thiện thể chế, các thông tư hướng dẫn để cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, để hoạt động chương trình ngày càng hiệu quả hơn.

Bảo An (T/H)