Kinh tế xanh

Long An có đủ điều kiện trở thành vùng kinh tế công nghệ cao

Thứ ba, 20/4/2021 | 15:59 GMT+7
Ngày 19/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu tại tọa đàm “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” do UBND tỉnh Long An tổ chức.

Tại tọa đàm, Phó Thủ tướng phát biểu, Long An là tỉnh có vị trí rất đặc biệt, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), và cũng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với quy mô kinh tế đứng thứ 12/63 tỉnh/thành phố. Có thể nói, Long An là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực ĐBSCL, tiếp giáp với TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Đồng thời là cửa ngõ giao thương ra quốc tế với lợi thế có 133km đường biên giới với nước bạn Campuchia.

Bên cạnh đó, Long An còn có tiềm năng lớn về vận tải đường biển, đường thủy nội địa. Hiện có 16 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Hơn nữa, kinh tế đối ngoại của khu vực cũng phát triển nhanh, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch đạt được trình độ phát triển ngày càng cao. Long An còn có một vùng phát triển nông nghiệp rộng lớn...

“Tất cả những tiềm năng, thế mạnh của Long An hiện có, tôi cho rằng địa phương hoàn toàn đủ điều kiện để phát triển vùng kinh tế công nghệ cao mang tầm cỡ khu vực và là tỉnh phát triển kinh tế hàng đầu khu vực ĐBSCL, phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại tọa đàm

Để tỉnh có thể hoàn thành mục tiêu trở thành vùng kinh tế công nghệ cao, lấy khoa học, công nghệ cao làm nền tảng, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Long An cần tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân để đề ra các định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao thông minh, trong đó, cần phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Đối với phát triển công nghiệp, tỉnh cần xác định các ngành mũi nhọn, có lợi thế để tập trung phát triển, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics.

Về nông nghiệp, Long An cần phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục cải cách thể chế, xây dựng thành công chính quyền điện tử/số, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cần phải sâu sát hơn, kịp thời quan tâm, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

Được biết, theo định hướng, toàn tỉnh sẽ chia ra 3 phân khu với chức năng riêng biệt. Bao gồm: vùng đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguồn nguyên liệu phát triển công nghiệp chế biến; vùng đệm sinh thái phát triển năng lượng tái tạo và đô thị sinh thái bên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây; các đô thị vệ tinh và các khu, cụm công nghiệp.

Ông Bùi Đào Thái Trường, Phó Tổng giám đốc Roland Berger khu vực Đông Nam Á cho biết, Long An được kỳ vọng là một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bộ, đủ quy mô để tận dụng nguồn vốn FDI từ các nước Đông Á với nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao, dễ kết nối các khu công nghiệp tại miền Nam, tham gia vào các chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao.

Với vị trí chiến lược và quỹ đất dồi dào, khu kinh tế Long An có thể trở thành siêu khu kinh tế kết nối các khu vực quan trọng như các thành phố công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ hay các thành phố du lịch như TPHCM, Vũng Tàu, Phnom Penh (Campuchia), ông Bùi Đào Thái Trường nhận định.

Thanh Tâm