Cụ thể, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ ngày 4/11 đến sáng ngày 6/11, mưa lớn tập trung ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi với lượng mưa từ 150 - 250mm, cục bộ có nơi trên 400mm, nguy cơ mưa cục bộ cường suất lớn trên 150mm/6h.
Trong đó, từ ngày 4/11 đến đêm 5/11, khu vực Thanh Hóa đến Nghệ An có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50 - 150mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15 - 30mm, cục bộ có nơi trên 60mm, thời gian mưa dông tập trung vào chiều, tối.
Dự báo từ chiều và đêm 6/11, khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, cục bộ có nơi trên 150mm; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 250mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/2/mua-lu-2-20241104112726818.jpg)
Ảnh minh họa
Mưa lớn kéo dài sẽ dẫn đến lũ ở nhiều khu vực. Điển hình như, từ nay đến ngày 9/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động 2 - 3; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi lên mức báo động 1 – 2, có nơi trên báo động 2; các sông ở Bình Định lên mức báo động 1.
Khu vực vùng núi từ Nghệ An đến Bình Định có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc. Khu vực đô thị, thành phố và các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi cũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.
Trước tình hình mưa lũ có thể diễn biến phức tạp, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra khuyến cáo tới người dân để chủ động ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Cụ thể, cần theo dõi, cập nhật, thường xuyên thông tin dự báo, cảnh báo và diễn biến của mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng, tránh; khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ do hoàn lưu bão số 6, nhất là tại các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng; chủ động sơ tán khỏi các nhà có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Chủ động dự trữ, bảo vệ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng đề phòng ngập lụt, chia cắt nhiều ngày. Chủ động thu hoạch sớm thủy sản, nông sản với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao; chủ động ngắt cầu giao điện khi nước dâng lên cao.
Không đi qua ngầm, tràn, cầu, cống, đường giao thông hoặc khu vực đang ngập sâu, nước chảy xiết; tuyến đường nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở; không bơi lội, đánh bắt cá, vớt củi trên sông, suối khi mưa lớn, lũ.
Chủ động khơi thông cống thoát nước gần nhà, khu dân cư nhằm tạo đường thoát lũ; thông báo tới chính quyền khi có sự cố về tắc nghẽn cống thoát nước, điểm ngập sâu; không đỗ xe ở vùng có nguy cơ ngập; đề phòng ngập tầng hầm chung cư.
Lưu các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Chấp hành nghiêm theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.