Kinh tế xanh

Mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường

Thứ ba, 22/7/2025 | 15:50 GMT+7
Kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển tất yếu trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên và biến đổi khí hậu. Mô hình này tổ chức lại sản xuất, tiêu dùng theo hướng giảm khai thác, kéo dài vòng đời sản phẩm và tái tạo giá trị từ chất thải. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí mà còn tạo động lực đổi mới và nâng cao khả năng thích ứng.

Tiềm năng lớn

Ngày 22/7, tại Hà Nội, tạp chí Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường cho biết, Việt Nam có tiềm năng kinh tế tuần hoàn rất lớn trong lĩnh vực như nông nghiệp (tái sử dụng phụ phẩm), công nghiệp (thu hồi nhiệt, sử dụng vật liệu tái chế), xây dựng (vật liệu xanh), năng lượng (năng lượng tái tạo), giao thông (điện khí hóa phương tiện), đặc biệt là trong lĩnh vực rác thải và năng lượng tái tạo.

Một trong những thách thức lớn hiện nay là bài toán rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 67.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, phần lớn đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp, vừa tốn diện tích vừa gây ô nhiễm môi trường và hoàn toàn ngược lại với nguyên lý của mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xử lý rác gặp không ít rào cản.

Quang cảnh hội thảo

Theo TS. Nguyễn Đình Trọng (Tập đoàn T-TECH Việt Nam), thực tế triển khai các dự án xử lý rác hiện nay còn nhiều rào cản, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư, ứng dụng công nghệ và nhân rộng mô hình hiệu quả. Rào cản lớn nhất đến từ thể chế, chính sách còn thiếu linh hoạt: quy trình đấu thầu, phê duyệt đầu tư còn cứng nhắc, thiếu cơ chế thử nghiệm (pilot) cho công nghệ mới. Doanh nghiệp trong nước dễ bị loại nếu chưa có dự án tương tự quy mô lớn.

Dù vậy, TS. Nguyễn Đình Trọng nhấn mạnh, tiềm năng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam rất lớn khi dân số gần 100 triệu, mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải được đặt lên hàng đầu. Nhiều địa phương đã sẵn sàng xã hội hóa đầu tư, thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực môi trường.

Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, kinh tế tuần hoàn là giải pháp chiến lược để ngành thủy sản vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu.

Bà Lê Hằng nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn giúp ngành thủy sản Việt Nam giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng khả năng hội nhập thị trường toàn cầu.

Các mô hình và giải pháp kinh tế tuần hoàn đang được ngành thủy sản Việt Nam áp dụng như hệ thống tuần hoàn nước khép kín (RAS) giúp giảm ô nhiễm, tiết kiệm nước và kiểm soát môi trường nuôi sạch, an toàn, đặc biệt trong nuôi tôm thâm canh. Các mô hình như nuôi tôm - lúa, trong đó rơm rạ được tái chế thành phân bón cho lúa và thức ăn cho tôm, chất thải từ tôm được dùng làm phân bón cho lúa, tạo thành một chu trình khép kín.

Cần hoàn thiện cơ chế hỗ trợ tài chính, công nghệ

Theo bà Lê Hằng, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cần có một chiến lược rõ ràng cùng với các cơ chế ưu đãi thuế, tín dụng xanh hiệu quả, tạo điều kiện đầu tư hạ tầng để xử lý chất thải và chuyển giao công nghệ tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ hóa dữ liệu từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân, xây dựng nền tảng quốc gia để xác thực nguồn gốc sản phẩm, áp dụng công nghệ như blockchain để đảm bảo minh bạch, chống gian lận hiệu quả hơn.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ khẳng định, kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển tất yếu trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên và biến đổi khí hậu. Mô hình này tổ chức lại sản xuất, tiêu dùng theo hướng giảm khai thác, kéo dài vòng đời sản phẩm và tái tạo giá trị từ chất thải. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí mà còn tạo động lực đổi mới và nâng cao khả năng thích ứng. Để triển khai hiệu quả, cần cải cách chính sách, phát triển tài chính xanh, đầu tư công nghệ sạch và xây dựng văn hóa sống tuần hoàn trong cộng đồng.

Mô hình kinh tế tuần hoàn tổ chức lại sản xuất, tiêu dùng theo hướng giảm khai thác, kéo dài vòng đời sản phẩm và tái tạo giá trị từ chất thải

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Trọng kiến nghị, cần sớm áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ - đặt hàng doanh nghiệp nội theo đúng tinh thần các nghị quyết của Chính phủ; miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi đầu tư theo luật hiện hành để thu hút nguồn lực vào lĩnh vực then chốt nhưng còn nhiều khó khăn. Đồng thời, hình thành cơ chế thử nghiệm chính sách trong xử lý chất thải và kinh tế tuần hoàn, cho phép mô hình tiên phong được triển khai thực tế, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.

Trao đổi, thảo luận tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, để hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế hỗ trợ tài chính, công nghệ, đào tạo nhân lực, truyền thông và hợp tác quốc tế. Đây là nền tảng chiến lược giúp Việt Nam hướng đến một nền kinh tế xanh, phát triển bao trùm và bền vững trong kỷ nguyên mới.

Hải Long (t/h)