Trong nước

Môi trường kinh doanh Việt Nam đang chững lại

Thứ tư, 30/10/2019 | 13:14 GMT+7
Năng lực cạnh tranh Việt Nam giai đoạn 2016-2019 được đánh giá có tốc độ cải cách chậm, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo để nhận diện những vấn đề đặt ra.

Mới đây, tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã diễn ra hội thảo Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016-2019 qua xếp hạng Doing Business của Ngân hàng thế giới. Tại hội nghị, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, trong hai năm gần đây, điểm số môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhưng chậm; thứ hạng mỗi năm giảm một bậc.

Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng thế giới, năm 2019 là năm môi trường kinh doanh Việt Nam có tốc độ cải cách chững lại, chỉ có 2 chỉ số cải thiện vượt trội là tiếp cận điện năng (tăng 69 bậc), nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (tăng 58 bậc); 3 chỉ số tăng hạng bởi có cải cách, bao gồm: tiếp cận tín dụng (tăng 7 bậc), khởi sự kinh doanh (tăng 6 bậc), giải quyết tranh chấp hợp đồng (tăng 1 bậc); và 1 chỉ số tăng 11 bậc dù giảm 0,1 điểm do các nước khác đồng loạt giảm bậc – chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp.

"Đáng lưu tâm khi Việt Nam là nước có cải cách tốt nhất trên toàn cầu (từ thứ hạng 77 lên 67) nhưng 8/12 trụ cột đánh giá lại có thứ hạng thấp và rất thấp, điển hình như: thể chế, mức độ năng động trong kinh doanh, kỹ năng của người lao động… Như vậy, nguyên nhân do đâu?", bà Thảo băn khoăn.

Bà Nguyễn Minh Thảo phân tích những kết quả và chỉ ra nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh Việt Nam chưa cao

Cũng theo phân tích của bà Thảo, kết quả cải thiện điểm số và thứ hạng năng lực cạnh tranh thể hiện nỗ lực liên tục trong những năm gần đây của Chính phủ. Về cải cách môi trường kinh doanh, Chính phủ và các Bộ đã có những cắt giảm cụ thể đồng thời cải cách thanh tra, kiểm tra; thúc đẩy đổi mới sáng tạo với các đề án và chiến lược Cách mạng công nghệ 4.0; kịp thời cập nhật dữ liệu, thông tin và chính sách cho các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại tự do.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn gặp phải nhiều rào cản, dường như những thay đổi, cải cách ít và chậm là nguyên nhân tạo nên sự chững lại trong năng lực cạnh tranh hai năm qua. Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước đang có xu hướng chia phần quản lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí, phương cách quản lý, các văn bản mới được ban hành đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ, hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.

“Trước đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) không thực hiện quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ yêu cầu các Bộ rà soát, sửa đổi các quy định nhằm cắt giảm 50% danh mục mặt hàng quản lý, đồng thời quản lý danh mục các mặt hàng theo mã HS thì Bộ LĐTBXH dường như “khai thác” cơ hội này để ban hành quy định về danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ với việc bổ sung danh mục hàng hóa. Mặt khác, không có mặt hàng nào được cắt giảm mà chỉ thuần túy thay đổi quy trình, chuyển từ kiểm tra giai đoạn sau thông quan lên giai đoạn trước thông quan rồi báo cáo là đã giảm 50% danh mục mặt hàng quản lý. Điều này là phản cải cách và đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ”, bà Nguyễn Minh Thảo nói.

Ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ tại hội thảo

Liên quan đến môi trường kinh doanh, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc FPT đặt vấn đề về nhân lực. Theo ông Bảo: “Bộ luật Lao động sửa đổi chỉ bảo vệ cho người lao động lười. Chúng ta đang có tư tưởng “ngồi mát ăn bát vàng”, không muốn lao động nhưng vẫn muốn hưởng lợi. Người nghèo thì phải chăm chỉ, quốc gia muốn giàu thì người dân càng phải chăm chỉ, thế nhưng Bộ luật Lao động (sửa đổi) lại dẹp bớt đi tinh thần chăm chỉ (giảm giờ làm, hạn chế giờ làm thêm). Hơn nữa, tuổi thọ trung bình Việt Nam rất cao nhưng độ tuổi nghỉ hưu rất sớm nên vô tình tạo thất nghiệp sớm và tạo tâm lý người lao động đến tuổi nghỉ hưu là không làm, chỉ ngồi đợi nhận lương. Vì vậy, Chính phủ phải có chính sách khuyến khích sự chăm chỉ, năng động sáng tạo thì mới tạo cơ hội cho môi trường kinh doanh phát triển, từ đó mới tăng được sự thịnh vượng của quốc gia".

"Chúng ta mới nhìn thấy một số thay đổi nhưng nó còn rất ít và còn chưa đạt được những gì mong muốn của Chính phủ cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, cần thay đổi từ tư duy và giám sát việc thực thi của các bộ, ngành và sự chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo các bộ, ngành trong việc giám sát các quy định, trong việc ban hành các quy định cũng như việc thực thi các quy định đó", bà Thảo nhấn mạnh.

Huyền Dung