Trong nước

Chuyển đổi số: Doanh nghiệp phải kết hợp với nhà trường

Thứ bảy, 19/10/2019 | 22:44 GMT+7
Để bắt kịp xu thế phát triển kinh tế theo cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp cần thiết phải là nhà đầu tư, định hướng và tiếp nhận nguồn nhân lực cho ngành giáo dục.

Mới đây, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019 "Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số" được tổ chức tại Hà Nội. Trong phiên thảo luận, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, con người là yếu tốt cốt lõi để có thể phát triển kinh doanh trong thời đại số vì vậy các doanh nghiệp muốn phát triển cần phải biết tận dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ ở các trường đại học.

Theo ông, các trường đại học phải gắn liền với xưởng sản xuất, phải có sự trao đổi linh hoạt. Cụ thể, trường đại học không chỉ đào tạo mà còn mời các chuyên gia ở các doanh nghiệp về dạy học, nhà xưởng không chỉ tiếp nhận mà cũng có thể đào tạo nguồn nhân lực.

Các chuyện gia đề cao năng lực đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những đánh giá, giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, năm 2019, Việt Nam vươn lên xếp thứ 42/129 nền kinh tế và đứng thứ 3 chỉ sau Singapore, Malaysia trong khu vực Đông Nam Á. Năng lực đổi mới sáng tạo chúng ta có nhưng chúng ta chưa có sáng kiến, chưa phát triển khoa học công nghệ để tận dụng năng lực đó. Hiện nay, Việt Nam chỉ dừng lại ở mức đổi mới công nghệ (mua toàn bộ máy móc mới) chứ chưa ứng dụng và phát triển công nghệ do vậy rất cần đội ngũ lao động tiến bộ mới, có thể áp dụng, phát huy, cải tiến công nghệ.

Theo ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, 7/10 công ty đang ảnh hưởng, dẫn dắt nền kinh tế thế giới hiện nay đều là những công ty hoạt động trên lĩnh vực số hóa, là những công ty hàng đầu về chuyển đổi số. Đối với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong vòng 3 năm nữa, sự chuyển đổi số của các nước lớn sẽ ảnh hưởng 20% tăng trưởng GDP khu vực, 65% kỹ năng hiện nay của con người trong 5 năm tới sẽ không tồn tại, 27% lực lượng lao động bị thay thế bởi công nghệ, 17% tổng quỹ lương cao là dành cho các ngành nghề về kỹ thuật số.

Trong hội nghị, PGS.TS Vũ Văn San, Giám đốc Học viện công nghệ bưu chính viễn thông trình bày về sự chuyển dịch nền kinh tế số và tác động của cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 tới trường đại học. Theo ông, CMCN 4.0 đã ảnh hưởng nhiều đến việc đào tạo nhân lực trong nhà trường, cụ thể, xuất hiện nhiều ngành nghề mới mang tính hội tụ và lai ghép; quá trình đào tạo yêu cầu nhiều kỹ năng mới để thích nghi với CMCN 4.0.

PGS.TS Vũ Văn San phát biểu tại hội nghị

“Đầu tư cho nhân lực là sống còn của doanh nghiệp”, ông San khẳng định. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa có cái nhìn toàn diện về đầu tư cho nhân lực và mối liên kết với nhà trường, trong khi CMCN 4.0 là giai đoạn công nghệ liên tục đổi mới nên rất cần lao động giỏi để cập nhật, áp dụng công nghệ. Mặt khác, đầu tư cho trường học không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là trách nhiệm xã hội. Với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức của xã hội, nhà trường phải theo kịp sự phát triển chung của xã hội, ở Việt Nam còn không ít chương trình đào tạo đang lạc hậu so với sự phát triển của doanh nghiệp. Do vậy mở ngành học mới là giải pháp quan trọng nhất để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi nền kinh tế số và đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.

PGS.TS Vũ Văn San đề xuất, về phía nhà trường, hoạt động nghiên cứu khoa học là hành trình bắt buộc để nâng cao chất lượng cho sinh viên; cần tạo ra môi trường sáng tạo, khởi nghiệp để sinh viên, giảng viên và xã hội cùng tham gia; thiết lập bộ phận chuyên trách để kết nối với doanh nghiệp từ đó điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng nhân lực từ phía doanh nghiệp. 

Về phía doanh nghiệp, ông San khuyến nghị doanh nghiệp nên có chiến lược nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng tại các trường đại học bằng các hình thức cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp; doanh nghiệp có thể chủ động thâm nhập một cách toàn diện vào trường học để có thêm điều kiện góp ý điều chỉnh chương trình đào tạo, khởi nghiệp trong nhà trường. Tránh tình trạng một số doanh nghiệp hiện nay đến các trường học chỉ để quảng bá cho doanh nghiệp mình chứ không nghiên cứu kỹ lưỡng ngành học của sinh viên có phù hợp với nhu cầu tuyển dụng không. Cuối cùng, Nhà nước có thể xem xét các cơ chế khuyến khích, ưu đãi một cách cụ thể đối với doanh nghiệp khi tham gia hoạt động hợp tác với trường đại cũng như tham gia vào hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên.

Thanh Tâm