Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 do Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) và tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp tổ chức.
Diễn đàn tập trung vào 3 nhóm chủ thể chính: khu vực doanh nghiệp FDI, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam... nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp của khu vực kinh tế FDI, thúc đẩy các địa phương của Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo thông tin tại diễn đàn, thành tựu thu hút FDI trong gần 4 thập kỷ qua đã minh chứng rõ nét về vai trò quan trọng của khu vực kinh tế FDI đối với tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và phát triển thịnh vượng của Việt Nam. Giai đoạn tới, dòng vốn FDI được xem là một trong những động lực quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút mỗi năm khoảng 40 - 50 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI giải ngân đạt từ 30 - 40 tỷ USD mỗi năm.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu trở nên khó đoán định, Việt Nam chủ động tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI, từ mục tiêu số lượng sang chất lượng, từ thâm dụng lao động sang hàm lượng công nghệ để trở thành trung tâm sản xuất và trung chuyển mới tại khu vực Đông Nam Á.
Từ thực tiễn, chủ đề của Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 bám sát các định hướng lớn của Đảng, kế hoạch hành động của Chính phủ, thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Quang cảnh diễn đàn
Diễn đàn tập trung thảo luận các vấn đề chính: cục diện thế giới mới, những thay đổi về chuỗi cung ứng và xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; chủ trương, định hướng và chính sách của Việt Nam về chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới: vai trò của khu vực FDI trong mối tương quan và liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các khu vực kinh tế trong nước; gia tăng sự hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng như giải pháp tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng FDI...
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược cho biết, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng với đất nước. 2025 cũng là năm thực hiện tổng kết, đánh giá 40 năm thực hiện đổi mới - năm bản lề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. 40 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, nằm trong 15 nước dẫn đầu về thu hút FDI với gần 400 dự án. Năm 2024, Việt Nam thu hút 38 tỷ USD vốn FDI.
Hết quý I/2025, cả nước thu hút gần 11 tỷ USD, ghi nhận tăng trưởng 34,7%. Đây là tín hiệu tích cực của môi trường đầu tư toàn cầu có nhiều thách thức. Tính lũy kế đến ngày 31/3/2025, cả nước có 42.760 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 510,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Tại diễn đàn, phiên toàn thể được cấu trúc thành phiên tham luận và thảo luận. Phiên tham luận có sự tham gia và chia sẻ của lãnh đạo Bộ Tài chính với chủ đề “Nâng cao hiệu quả thu hút FDI và hoạt động của khu vực kinh tế FDI trong bối cảnh mới: Giải pháp chiến lược trong thời gian tới”. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường có tham luận với chủ đề “Thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và những định hướng trong giai đoạn mới”. Đại diện doanh nghiệp với chủ đề “FDI chiến lược cho kỷ nguyên mới của Việt Nam: Từ nơi đón vốn đầu tư đến hệ sinh thái chiến lược”.
Phiên thảo luận của diễn đàn tập trung vào “Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới: Gắn kết khu vực kinh tế FDI và kinh tế trong nước, tạo bứt phá tăng trưởng cao và phát triển bền vững” với sự tham gia và chia sẻ của đại diện các ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp FDI.