Thu hút đầu tư vào ngành điện

Thứ ba, 20/8/2024 | 15:52 GMT+7
Ngày 20/8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện”.

Tại tọa đàm, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng... đã phân tích, kiến giải, luận bàn về vấn đề thu hút đầu tư vào ngành điện, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ cấu giá và cách tính giá thành điện khi bán ra hiện nay; việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện trong nền kinh tế thị trường...

Là sản phẩm hàng hóa đặc thù, được coi như đầu vào của mọi đầu vào, điện năng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ đời sống dân sinh, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhất quán quan điểm và yêu cầu "phải đảm bảo điện năng trong mọi tình huống" và đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng bộ, ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo rất sát sao cả cấp bách, cả lâu dài cho vấn đề bảo đảm điện năng, trong đó có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là thúc đẩy đầu tư, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư vào sản xuất, cấp phát, phân phối điện. Các nhà đầu tư cũng yên tâm đầu tư lâu dài cho ngành điện của nước ta.

Tuy nhiên, trong thu hút đầu tư vào sản xuất điện, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản cũng còn không ít những khó khăn, vướng mắc tạo nên những "nút thắt", "rào cản". Trong đó, vấn đề lớn là những điểm còn chưa hợp lý trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện như hiện nay còn dưới giá thị trường trong bối cảnh giá đầu vào của ngành điện như than, dầu, khí luôn biến động và neo cao và chúng ta vẫn đang đi trên "lộ trình tính đúng, tính đủ giá bán điện trong nền kinh tế thị trường".

Ảnh minh họa

Với hiện trạng ngành điện Việt Nam hiện nay, các nguồn điện giá rẻ đã cơ bản hết tiềm năng phát triển, trong Quy hoạch điện VIII, Việt Nam tập trung phát triển mạnh điện khí và điện gió ngoài khơi. Đây là hai loại hình có giá thành khá cao, đòi hỏi huy động lượng vốn lớn.

Thực tế cho thấy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những nỗ lực để hạ chi phí giá thành sản suất kinh doanh. Tuy nhiên, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có đủ nguồn lực để đầu tư, phát triển nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối; khó thu hút mạnh được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện... Đây là một thách thức rất lớn khiến ngành điện phải tập trung ứng phó và xử lý.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, nếu thiếu tính thị trường trong nội dung cơ chế, chính sách thì rất khó có công cụ thúc đẩy bền vững. Tuy nhiên, điều rất mừng là Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết; Quốc hội có chuyên đề giám sát về năng lượng; Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết liệt trong việc sửa đổi Luật Điện lực, xem xét lại quyết định về giá bán điện...

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phân tích, một trong những khó khăn lớn trong thu hút đầu tư vào phát triển ngành điện là cần nguồn lực đầu tư lớn trong khi thời gian thu hồi vốn chậm, giá bán điện hiện nay vẫn còn tính "bao cấp", bù trừ. Cụ thể, toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường. Thế nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó; có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất, kinh doanh điện nên sản xuất, kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn.

Một bất cập nữa là cơ chế bù chéo giá điện hiện nay kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng. Bù chéo ở đây là bù chéo giữa nhóm người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau, bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt trong sản xuất ở mức độ nhất định. Và một điểm nữa là bù chéo về giá điện giữa các vùng miền. Điện ở các xã, huyện hải đảo thường 7.000 - 9.000 đồng/kWh nhưng chúng ta vẫn bán 1.000 - 2.000 đồng/kWh, tức là lấy vùng thấp bù cho vùng cao... Chúng ta phải chấm dứt bù chéo trong giá điện và việc này cần được đưa vào Luật Điện lực mới.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia kinh tế năng lượng đề xuất, đầu tiên cần tính đúng, tính đủ trong chi phí mà hộ tiêu thụ gây ra cho hệ thống điện. Đồng thời, cố gắng tách bạch giữa hoạt động mang tính chất công ích và những hoạt động mang tính chất thị trường.

Các ý kiến tại tọa đàm cho rằng, cần phải sửa Luật Điện lực và cải cách căn bản về giá. Sửa đổi Luật Điện lực lần này là một cơ hội, phải tận dụng cơ hội này.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động đề xuất liên thông điều chỉnh từ giá nhiên liệu đầu vào đến giá điện, có một hệ thống truyền tải đủ và thông minh để có thể cân đối được nguồn từ các vùng, miền, các thời điểm; xây dựng hệ thống hành lang pháp lý để những đơn vị, tổ chức lớn có thể mua trực tiếp từ các nhà máy; đầu tư thêm hệ thống dự trữ năng lượng cho các nhà máy năng lượng tái tạo.

Nhã Quyên (t/h)