70% doanh nghiệp châu Âu lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới

Thứ ba, 16/7/2024 | 11:19 GMT+7
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 2 năm 2024.

Báo cáo BCI do Decision Lab thực hiện và được gửi tới tới mạng lưới 1.400 thành viên của EuroCham, đóng vai trò như một thước đo của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam, cung cấp những hiểu biết sâu sắc theo thời gian thực về môi trường kinh doanh đang phát triển của đất nước.

Theo báo cáo, BCI đã có sự giảm nhẹ từ 52,8 trong quý I xuống 51,3 trong quý II/2024. Theo đánh giá của EuroCham, mặc dù có sự giảm nhẹ, chỉ số vẫn duy trì ở mức tích cực. Tình trạng lạc quan thận trọng này phù hợp với mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Việt Nam trong quý đầu tiên, cho thấy sự điều chỉnh kỳ vọng trong bối cảnh kinh tế đầy hứa hẹn.

Về điều kiện kinh doanh hiện tại, đa số (68%) doanh nghiệp châu Âu vẫn duy trì quan điểm từ trung lập đến tích cực về điều kiện kinh doanh của họ, cho thấy cảm giác ổn định chung.

Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Về triển vọng dài hạn, bất chấp triển vọng thận trọng trong ngắn hạn, gần 70% số lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới. Sự tự tin này được phản ánh qua tỷ lệ các doanh nghiệp sẽ đề xuất Việt Nam là điểm đến đầu tư.

Cụ thể, phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp (gần 70%) khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư. EuroCham nhận định, điều này cho thấy sự tín nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài vào môi trường kinh doanh. Tâm lý tích cực này của các doanh nghiệp có thể là động lực mạnh mẽ cho các nhà đầu tư mới từ nước ngoài cân nhắc đầu tư vào Việt Nam.

Để thu hút thêm FDI và kích thích tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp châu Âu được khảo sát đã nêu bật 5 yếu tố để Việt Nam có thể cải thiện môi trường kinh doanh gồm: hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; tăng cường sự rõ ràng trong các quy định, chính sách để giảm bớt việc giải thích không chính xác; phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi (đường, cảng, cầu...); đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.

Đáng chú ý, cuộc khảo sát cho thấy những cam kết ngày càng tăng về tính bền vững của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, với 7% đã đạt được mức trung hòa carbon, 37% đặt ra mục tiêu hoàn thành vào hoặc trước năm 2050, 18% tham vọng đặt mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2030.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp được khảo sát đã chỉ ra một số trở ngại chính trong nỗ lực trung hòa carbon của họ như: khách hàng lưỡng lự trong việc trả giá cao cho các sản phẩm bền vững; khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng quản lý chất thải hiệu quả còn hạn chế; hạn chế tài chính trong việc thực hiện các hoạt động bền vững; khó khăn trong việc đo lường lượng khí thải và đảm bảo tuân thủ chuỗi cung ứng...

Theo EuroCham, một điểm tích cực là việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA) đã mang lại hy vọng. Việc thực hiện nhanh chóng và thành công có thể giải quyết một số thách thức này, đặc biệt bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng sạch có khả năng mang lại những khuyến khích bền vững tốt hơn.

Đức Dũng