Kinh tế xanh

Nâng cao thương hiệu, chất lượng cho sản phẩm làng nghề Việt

Thứ năm, 2/2/2023 | 10:57 GMT+7
Trước xu hướng phát triển nhanh và hiện đại của xã hội, các làng nghề cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu chất lượng cao, phong phú, đa dạng.

Một vài năm trở lại đây, uy tín hàng Việt Nam đã và đang được nâng cao trong thị trường nội địa, được người tiêu dùng quan tâm, ưu tiên hơn. Điều này có được nhờ chính sách mở cửa nền kinh tế, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được lan tỏa rộng rãi; các làng nghề đã biết chú trọng đến chất lượng, giá cả hợp lý, đa dạng về mẫu mã sản phẩm.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, với đa dạng chủng loại, mẫu mã, chất lượng tốt, có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm làng nghề đã góp phần kiến tạo những giá trị tinh hoa hàng Việt bởi không còn là những tạo hình đơn giản, thô sơ mà các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề đã dần “lột xác”, trở nên bắt mắt, có tính sáng tạo cao.

Điển hình như gốm sứ Bát Tràng, các sản phẩm thuộc làng nghề không chỉ dừng lại ở những chi tiết, hoa văn truyền thống mà đã có nhiều thiết kế kiểu mới, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng hiện đại. Bên cạnh hoạt động sản xuất, làng gốm Bát Tràng còn xây dựng mô hình làng nghề du lịch đầy tiềm năng, góp phần quảng bá sản phẩm, tăng cường doanh thu du lịch cho địa phương.

Nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng

Theo ông Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, để khẳng định vị thế hàng Việt qua sản phẩm làng nghề, các làng nghề cần chú trọng xây dựng thương hiệu, quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu kết hợp với tập trung phát triển sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường.

Các làng nghề cần ưu tiên đẩy mạnh việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.

Chuỗi giá trị của các sản phẩm làng nghề cần được phân bổ đồng đều và công bằng giữa các làng nghề có điều kiện tự nhiên, dân số và kinh tế khác nhau. Các Hiệp hội làng nghề sẽ là cầu nối cho mọi hoạt động hợp tác, liên kết trong cung cấp nguyên liệu, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề bền vững.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Lê Việt Nga cho biết, Bộ luôn sẵn sàng hỗ trợ các làng nghề giữ nghề, nâng cao được giá trị làng nghề, kỹ thuật và máy móc thiết bị. Theo đó, Bộ Công Thương đang ấp ủ một chương trình cao cấp là bán hàng hóa theo công nghệ số, dựa trên mô hình bán những bộ sưu tập nghệ thuật trên thế giới hiện nay.

Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động và các nội dung “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm quảng bá cho hàng Việt Nam, sản phẩm làng nghề Việt Nam có chất lượng, uy tín.

Mặt khác, Bộ yêu cầu các làng nghề chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã. Đồng thời, nâng cao trình độ và năng lực tổ chức quản lý cũng như tăng cường khả năng liên kết và bắt tay chặt hơn trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.

Linh Giang (T/H)