Trong nước

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm đến tiềm năng của Việt Nam

Thứ ba, 17/10/2023 | 16:05 GMT+7
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 17/10 đánh giá, các cam kết FDI mới tiếp tục phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến tiềm năng của Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu.

Cụ thể, theo báo cáo của WB, cả cam kết FDI và giải ngân trong 9 tháng năm 2023 của Việt Nam vẫn ở mức cao, tương ứng đạt 20,2 tỷ USD và 15,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023. Con số này tăng tương ứng 31% và 3% so với cùng kỳ năm 2022. Theo WB, các cam kết FDI mới tiếp tục phản ánh niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến tiềm năng của Việt Nam bất chấp những bất ổn toàn cầu.

Cũng theo báo cáo, kinh tế Việt Nam thể hiện khởi sắc trong quý III/2023, đạt mức tăng trưởng 5,3%. Trong đó, khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp chính cho tăng trưởng (đóng góp 2,7%), với doanh số duy trì ở mức ổn định nhờ sự quay trở lại của khách du lịch quốc tế.

Theo WB, cả cam kết FDI và giải ngân trong 9 tháng năm 2023 của Việt Nam vẫn ở mức cao

Tuy nhiên, WB đánh giá, tiêu dùng trong nước vẫn yếu và tăng trưởng tín dụng còn chậm, phản ánh tình hình đầu tư tư nhân trong nước còn yếu. Trong bối cảnh đó, WB khuyến nghị Việt Nam tiếp tục thực hiện đầu tư công, bởi điều này có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Những khoản đầu tư này được WB khuyến nghị tập trung vào trọng tâm là cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng chống chịu và hạ tầng liên vùng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn.

Bên cạnh đó, WB cho rằng, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực (đặc biệt là kỹ năng công nghệ cao) sẽ giúp Việt Nam thu hút FDI công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất trong dài hạn.

Ngoài ra, theo WB, Việt Nam còn cần theo dõi chặt chẽ xu hướng lạm phát. Báo cáo ghi nhận, lạm phát toàn phần nước ta tiếp tục tăng kể từ tháng 6, tăng 1,13% và đạt 3,7% (so cùng kỳ) trong tháng 9; tăng 0,7% so với tháng 8. Lạm phát tiếp tục được thúc đẩy bởi giá lương thực, thực phẩm và nhà ở, cộng thêm áp lực lạm phát từ việc tăng giá năng lượng và giáo dục. Lạm phát cơ bản giảm từ 4% trong tháng 8, xuống còn 3,8% trong tháng 9.

Tiến Đạt