Nhiệt điện Thái Bình: Triển khai phải đảm bảo quy định của pháp luật

Thứ ba, 19/11/2019 | 12:04 GMT+7
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để xem xét theo đúng quy định của pháp luật quy định và báo cáo sớm để Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Liên quan đến nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết, dự án nhà máy Nhiệt điện 2 của Thái Bình đang bị dừng thi công, gây rất nhiều hệ lụy. “Nếu chúng ta kéo dài dự án này thì nguy cơ gây lãng phí rất lớn về ngân sách, vì đầu tư dự án này cũng đã được 85%, còn 15% nữa là có thể đưa vào khai thác, vận hành và phát điện, tăng sản lượng điện cho quốc gia. Do vậy, để dự án có hiệu quả Bộ và Chính phủ nên tính toán để sớm khởi công dự án này”, đại biểu Xuyền chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án quan trọng trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh. Vừa qua có một số vướng mắc, có nguyên nhân khách quan từ thiết kế trong năng lực thực hiện của tổng thầu là Tổng công ty PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí cũng như một số các nguyên nhân khác.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đầu tư được 85% dự án

“Việc này đã trở thành một vụ án vì có những dấu hiệu vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh trong sử dụng vốn cũng như trong quá trình triển khai thực hiện. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án và đã có xử lý bước đầu một số đối tượng, cá nhân có liên quan, đồng thời với việc này đang tiếp tục làm rõ các cổ phần còn lại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Liên quan đến khía cạnh kỹ thuật và công nghệ của nhà máy, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt tiếp tục đánh giá về khả năng để tiếp tục thực hiện dự án. Nguyên tắc không làm thay đổi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt và do chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí tự quyết định.

 “Tuy nhiên, có một số vấn đề pháp lý các bộ, ngành đang rà soát để báo cáo với Chính phủ sẽ có ý kiến và sau đó chúng ta sẽ tiếp tục triển khai. Nếu như thế nào cũng sẽ rà soát cẩn trọng cũng như đảm bảo những nguyên tắc chung và quy định của pháp luật để thực hiện cho tốt”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, dự án chỉ cần đầu tư  2.000 tỷ đồng nữa sẽ hoàn thành. Khi đi vào hoạt động dự án sẽ cung cấp 1.200 MW điện cung cấp điện cho đời sống và sản xuất.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Dự án này Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ bổ sung 2.000 tỷ đồng nhưng hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để xem xét việc này theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo sớm Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

An Nhiên