Kinh tế xanh

Nhiều điểm mới trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Thứ ba, 5/4/2022 | 16:13 GMT+7
Ngày 5/4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến công bố những điểm mới trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Cụ thể, tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã cung cấp thông tin về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch quý I/2022 của ngành NN&PTNT, đồng thời phân tích nhiều nội dung mới mang tính đột phá của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về kết quả thực hiện kế hoạch quý I/2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nông nghiệp tăng 2,35%, lâm nghiệp tăng 3,86% và thủy sản ước tăng 2,54%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 6,3% so với quý I/2021; trong đó xuất khẩu đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 9,8 tỷ USD, giảm 3,5%; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Gia tăng giá trị toàn ngành NN&PTNT hướng đến phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ 5 quan điểm phát triển và khẳng định nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là nền tảng văn hóa, xã hội. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng.

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm…

Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra những định hướng quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đó là, cần phải tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng các vùng chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn bền vững. Hình thành một số khu cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cần chuyển đổi tư duy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường tạo giá trị cho sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cần xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, phát triển môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Bên cạnh đó, thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng. Phát triển mô hình nông nghiệp tiên tiến như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải... Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Đầu tư phát triển khu, cụm dịch vụ ở nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Chính thức hóa lao động phi chính thức ở nông thôn. Từng bước hình thành lực lượng nông dân chuyên nghiệp.

Nâng cấp và hiện đại hóa hạ tầng nông thôn, đổi mới nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với vùng miền; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn, lấy người dân nông thôn là chủ thể, trọng tâm phát triển, đảm bảo tiếp cận bình đằng các nguồn lực, dịch vụ xã hội, chủ động phòng chống rủi ro, thiên tai, dịch bệnh.

Xây dựng cộng đồng vững mạnh, củng cố truyền thống văn hóa tốt đẹp, quan hệ gắn kết cộng đồng, phát huy tinh thần tự chủ, tự hào, đoàn kết. Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan môi trường thích nghi biến đổi khí hậu.

Thanh Tâm (T/H)