Ô nhiễm nước tập trung ở hạ nguồn, làng nghề và nước thải sinh hoạt

Thứ ba, 18/8/2020 | 13:08 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, mức độ ô nhiễm chung trên các lưu vực sông ở phía thượng nguồn cơ bản đã được kiểm soát. Ô nhiễm chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn, tại các làng nghề và nước thải sinh hoạt, các khu công nghiệp chưa được xử lý.

Sáng 17/8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận: "Bộ đã đánh giá được lượng nguồn nước thải ra các dòng sông. Chính phủ đã giao cho các địa phương khi xác định được nguồn nước thải để xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý còn chậm do nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng. Dự án đầu tư xử lý nước thải ở các con sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2023 mới hoàn thành. Ngoài ra, phải có sự điều chỉnh nguồn nước vào mùa khô để giảm nồng độ ô nhiễm. Vì hiện nay mực nước tại sông Hồng còn thấp, nếu không đầu tư hệ thống bơm đủ mạnh để bổ sung nước thì khó thực hiện được việc giảm tải ô nhiễm tại các dòng sông". 

"Để giải quyết ô nhiễm tại các dòng sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đầu tư hệ thống quan trắc để giúp cho việc điều tiết nguồn nước. Còn về lầu dài, cần có sự điều tiết nguồn nước ở các lưu vực sông, phát triển nền kinh tế xã hội, sắp xếp lại khu dân cư, tính toán di dời các nhà máy, cụm công nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường... để kiểm soát được nguồn nước thải. Mặc khác là cần quy hoạch lại hành lang bảo vệ hành lang bảo vệ các con sông. Ngoài ra, các khu vực đã bị ô nhiễm phải có chế tài cấm, xử lý việc xả nước thải ra các con sông...", Bộ trưởng cho biết.

Ảnh minh họa

Liên quan đến nội dung quản lý an toàn hồ, đập, Bộ trưởng Trần  Hồng Hà cho biết, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông lớn gồm: sông Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Côn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srê Pốk và Đồng Nai với 135 hồ chứa thủy điện, thủy lợi tham gia điều tiết, vận hành. Đây là cơ sở pháp lý để quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước phục vụ đa mục tiêu.

Hiệu quả đã được kiểm chứng qua mùa cạn các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 mặc dù lưu lượng đến các hồ chứa là rất nhỏ nhưng các hồ chứa vẫn duy trì được mực nước tối thiểu hoặc nâng dần lên để có thể đủ nguồn nước cân đối cho mùa cạn. Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước lớn trên lưu vực sông Mã, sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Sê San, Đồng Nai… Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều tiết nước để các chủ hồ điều chỉnh lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa còn một số khó khăn, tồn tại như: công tác dự báo dòng chảy đến hồ của các chủ hồ còn thiếu chính xác; năng lực chỉ đạo điều hành vận hành quy trình một số địa phương còn hạn chế, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và các chủ hồ… Những bất cập này đã làm giảm hiệu quả công tác vận hành điều tiết nước cắt giảm lũ cho hạ du.

Trần Nam