Phạt tới 200 triệu đồng nếu hoạt động điện lực không phép

Thứ bảy, 5/2/2022 | 12:35 GMT+7
Theo Nghị định mới của Chính phủ, hoạt động điện lực không có giấy phép bị phạt tới 200 triệu đồng.

Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

Nghị định quy định rõ mức phạt các hành vi vi phạm quy định về giấy phép hoạt động điện lực. Theo đó, phạt tiền tổ chức từ 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: hoạt động điện lực trong thời gian giấy phép hoạt động điện lực bị mất, bị thất lạc mà không báo cáo cơ quan cấp giấy phép; không báo cáo với cơ quan cấp giấy phép chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực trong trường hợp giấy phép hoạt động điện lực còn thời hạn sử dụng.

Phạt tiền tổ chức từ 90 - 120 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: không tuân thủ một trong các nội dung của giấy phép hoạt động điện lực, trừ các hành vi khác quy định tại Nghị định này; tự ý sửa chữa, cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn giấy phép hoạt động điện lực…

Ảnh minh họa

Phạt tiền tổ chức từ 120 - 160 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: cung cấp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép không chính xác, không trung thực; hoạt động điện lực khi giấy phép hoạt động điện lực đã hết thời hạn sử dụng; không đảm bảo một trong các điều kiện hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật trong suốt thời gian hoạt động.

Phạt tiền tổ chức từ 160 - 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: hoạt động điện lực mà không có giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động điện lực trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.

Biện pháp khắc phục hậu quả là: buộc nộp lại giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động điện lực trong thời gian vi phạm để sung vào ngân sách nhà nước.

An Vinh