Nông nghiệp sạch

Phát triển chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao

Thứ sáu, 14/2/2025 | 14:37 GMT+7
Ngày 14/2, tại Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và tạo ra sự bứt phá ngành tôm, phát triển bền vững các địa phương, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần chú ý đến việc xây dựng chất lượng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất, giảm chi phí trong quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh. Đồng thời, có cơ chế chính sách, giải quyết những vấn đề về mặt kỹ thuật nuôi còn tồn đọng, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý trong nuôi trồng thủy.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistics, cần phải tổ chức lại tổ chức sản xuất, các khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại phải song hành với nhau. Chỉ có giải quyết những vấn đề này một cách đồng bộ, chặt chẽ mới tạo ra cạnh tranh tốt hơn thị trường tôm trên thế giới, đưa ngành tôm bứt phá, đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD.

Phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao

Theo Cục Thủy sản, năm 2024, sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2024 đạt vượt kế hoạch đề ra với diện tích nuôi đạt 749,8 nghìn ha (tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023); sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2024 đạt 1.290,5 nghìn tấn (tăng 15,3 % so với cùng kỳ năm 2023 - 1.119,6 nghìn tấn); trong đó, sản lượng tôm sú đạt 338,8 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 951,7 nghìn tấn.

Về nhiệm vụ giải pháp năm 2025, Cục Thủy sản xác định diện tích nuôi tôm là 750 nghìn ha (tôm sú: 630 nghìn ha, tôm thẻ: 120 nghìn ha); sản lượng tôm các loại 1,3 - 1,4 triệu tấn; trong đó, tôm sú đạt 350 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 1.050 nghìn tấn; nhu cầu tôm giống khoảng 140 - 150 tỷ con.

Để đảm bảo kế hoạch cả năm 2025, theo Cục Thủy sản, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ quy định của Luật và những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản; theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu kế hoạch 2025.

Bên cạnh đó, phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp và hiệu quả với từng phương thức nuôi, ưu tiên công nghệ tuần hoàn nước/ít thay nước, thu gom và tái sử dụng chất thải trong nuôi tôm, đáp ứng yêu cầu của thị trường về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật và có trách nhiệm xã hội.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp đã trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ cũng như đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống, tôm thương phẩm; bảo vệ môi trường, xây dựng các vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh. Các địa phương cũng có kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, liên kết, chế biến nhằm giảm giá thành sản xuất để ngành tôm phát triển bền vững.

Hải Long (t/h)