Văn hóa, du lịch

Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí vườn quốc gia U Minh Hạ

Thứ năm, 6/7/2023 | 11:30 GMT+7
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí vườn quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.458 tỷ đồng.

Đề án được phê duyệt với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí ở vườn quốc gia U Minh Hạ một cách bền vững, gắn với bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng tràm và đa dạng sinh học của vùng đất U Minh Hạ; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Theo Đề án, vườn quốc gia U Minh Hạ sẽ tổ chức thực hiện tại 2 phân khu chức năng gồm: phân khu dịch vụ hành chính và một phần phân khu phục hồi sinh thái với tổng diện tích hơn 1.300ha.

Trong đó, xây dựng 6 khu chức năng gồm: khu đón tiếp du khách; khu du lịch sinh thái; khu vườn sưu tập động, thực vật và vườn dược liệu (mô hình safari vườn + thú); khu tái hiện làng rừng và các làng nghề truyền thống; khu nghỉ dưỡng; khu trồng cây lưu niệm.

Ngoài ra, vườn quốc gia U Minh Hạ còn có một số tuyến nội bộ kết nối các khu chức năng du lịch và các tuyến kết nối khu điểm du lịch ở các khu vực như: khu du lịch Hòn Đá Bạc; khu du lịch sinh thái Sông Trẹm; du lịch cộng đồng và kết nối các khu, điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh.

Vườn quốc gia U Minh Hạ

Vườn quốc gia U Minh Hạ cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 26km, có diện tích hơn 8.200ha. Đây là một trong hai vườn quốc gia có hệ sinh thái rừng đặc thù ở Cà Mau; đồng thời là khu vực có hệ động, thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn, do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành.

Thực vật đặc hữu ở vườn quốc gia U Minh Hạ chủ yếu là các loài: tràm, móp, năn, sậy, choại...; động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng... Nhiều trong số đó thuộc loại quý hiếm, được ghi vào Sách đỏ Việt Nam.

Nhờ có hệ sinh thái đa dạng với nhiều chủng loại và mảng xanh thiên nhiên dày đặc nên không ít du khách đã tìm đến trải nghiệm tại vườn quốc gia U Minh Hạ. Tuy nhiên, do chưa đầu tư xứng tầm, hạ tầng phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế, thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn… nên khách đến vườn chưa mang tính chuyên sâu.

Để Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí vườn quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030 phát huy hiệu quả, góp phần vào quá trình phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Ban quản lý vườn quốc gia U Minh Hạ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nội dung, thành phần, chương trình thời gian, địa điểm và các vấn đề có liên quan... Trong đó, lưu ý mục tiêu, quy mô diện tích thực hiện tại các phân khu, vị trí xây dựng theo Đề án; mời các nhà đầu tư có thiện ý tham khảo ý tưởng quy hoạch các dự án trong phân khu đế cân bằng, hài hòa về đầu tư, sinh lợi, đạt hiệu quả cao nhất về quy hoạch, đảm bảo thống nhất quy hoạch tổng thể, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn phát triển và bảo vệ nguồn lợi cá đồng…

Bảo An