Quốc tế

Quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh sẽ ngăn ngừa thiệt hại kinh tế toàn cầu

Thứ hai, 4/12/2023 | 10:53 GMT+7
Một báo cáo mới của công ty tư vấn kinh tế toàn cầu Cambridge Econometrics xác nhận sự khác biệt mà quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh hơn có thể tạo ra để duy trì mức giá ổn định trong trường hợp xảy ra một cú sốc giá dầu và khí đốt khác.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng 2022/2023 ảnh hưởng lớn đến mức giá trên toàn nền kinh tế toàn cầu, Cambridge Econometrics đã xem xét lại tác động lạm phát của cú sốc giá năng lượng có thể so sánh với tác động xảy ra vào những năm 1970.

Cambridge Econometrics đã chạy mô phỏng trong mô hình kinh tế vĩ mô toàn cầu E3ME, đánh giá kết quả kinh tế vĩ mô từ năm 2024 - 2040 trong kịch bản hoạt động bình thường so với kịch bản 1,5 độ C để xác định sự khác biệt trong quá trình chuyển đổi năng lượng có thể tạo ra đối với giá tiêu dùng.

Phân tích cho thấy, nếu một cú sốc giá dầu và khí đốt quy mô như những năm 1970 xảy ra trong thập kỷ tới thì tới năm 2040, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị xóa sổ tới 10 nghìn tỷ USD. Con số đó giảm xuống còn 6,5 nghìn tỷ USD nếu năng lượng tái tạo được tăng tốc phát triển để phù hợp với mục tiêu nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C.

Ảnh minh họa

Chuyên gia kinh tế chính và đồng tác giả báo cáo Hà Bùi nhận xét: “Việc để hành động về khí hậu theo quỹ đạo hiện tại sẽ xóa sạch 555 tỷ USD trong một năm khỏi nền kinh tế trong trường hợp xảy ra cú sốc. Tác động sẽ nhỏ hơn nếu thực hiện các chính sách khử cacbon mạnh mẽ hơn trong kịch bản 1,5 độ C vì thế giới sẽ ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm khả năng gặp phải các cú sốc về giá".

Theo nghiên cứu của Cambridge Econometrics, cú sốc giá quy mô những năm 1970 sẽ dẫn đến mức giá cao hơn vĩnh viễn đối với người tiêu dùng, đối với cả tiêu dùng năng lượng và phi năng lượng. Cú sốc có tác động tiêu cực đến GDP và việc làm, nghiêm trọng hơn trong kịch bản kinh doanh bình thường so với kịch bản 1,5 độ C, do sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong kịch bản 1,5 độ C ít hơn.

Đáng chú ý, việc khử carbon nhanh hơn trong hệ thống năng lượng có thể hạn chế mức tăng giá chung tiềm năng do cú sốc giá dầu và khí đốt trung bình gần một nửa ở cấp độ toàn cầu. Điều này cũng có nghĩa là bất kỳ mức tăng giá vĩnh viễn nào sau cú sốc sẽ nhỏ hơn khi năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn hơn trong năng lượng.

Tác giả báo cáo Hà Bùi nhận định, đầu tư vào năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng ngay hôm nay sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực của cú sốc giá dầu và khí đốt trong tương lai trong cả ngắn hạn và dài hạn, đồng thời giúp nền kinh tế toàn cầu trở nên kiên cường hơn trước những cú sốc như vậy.

Tiến Đạt