Nghiên cứu - Trao đổi

Quản lý và phát huy tài nguyên từ loài Trà mi

Thứ ba, 24/9/2024 | 08:02 GMT+7
Thống kê tại Việt Nam, đến nay có hơn 100 loài Trà mi (Camellia), trong số đó hai phần ba số loài được xem là đặc hữu. Thông tin này được Tiến sĩ Lương Văn Dũng-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học và Biến đổi khí hậu-Trường Đại học Đà Lạt công bố tại Hội thảo Trà mi bản địa Việt Nam, lần thứ 3, diễn ra ngày 23/9 tại thành phố Đà Lạt.

Hội thảo do 3 trường Đại học (Đà Lạt, Thủ Dầu Một, Kinh tế Nghệ An) phối hợp tổ chức, thu hút nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đến từ các trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu và công ty…

Tiến sĩ Lương Văn Dũng khái quát lịch sử nghiên cứu loài Trà mi bản địa Việt Nam 

Theo Tiến sĩ Lương Văn Dũng, Trà mi Việt Nam được nghiên cứu rất sớm, nếu lấy mốc năm 1790 (từ đóng góp của các nhà khoa học người Bồ Đào Nha và Pháp) đến nay đã có 234 năm. Trà mi là một trong những đối tượng được nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu, có nhiều quan điểm khác nhau khi nghiên cứu đối tượng này. Các lĩnh vực đã và đang nghiên cứu Trà mi bao gồm: phân loại (hình thái, sinh học phân tử), nhân giống, bảo tồn, hóa hợp chất, sản phẩm hành hóa. Tuy nhiên, thành tựu nghiên cứu Trà mi ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên đang có.

Tiến sĩ Vũ Văn Tâm chia sẻ thành quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy loài Trà mi hoa vàng tại tỉnh Ninh Bình 

Từ những thành công bảo tồn và phát triển trà hoa vàng Cúc Phương (Camellia cucphuongensis) tại Công viên Trà hoa vàng Ninh Bình, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm-Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia đã chia sẻ một số kết quả rất có ý nghĩa. Đó là việc xây dựng nhà màng để ươm cây theo tiêu chuẩn Nhật Bản với diện tích trên 1.000 m2 và thiết kế có khả năng chống chịu bão cấp 10. Công suất ươm của vườn trên 8.000 cây giống gốc. Hệ thống tưới trong nhà màng được thiết kế và lắp đặt bằng vật tư nhập khẩu từ Isarel…Công viên trà hoa vàng này đã sưu tầm được nguồn giống từ các tỉnh như Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Nam…Tiến sĩ Vũ Văn Tâm cũng chia sẻ những kỹ thuật về nhân giống; tổ chức trồng, chăm sóc và thu hái. Đặc biệt các sản phẩm thương mại từ trà hoa vàng có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.  

Nhiều tham luận đã thu hút sự chú ý của đại biểu trong và ngoài nước tại Hội thảo 

Đi sâu lĩnh vực khoa học, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Đỗ Ngọc Đài-Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đã trình bày các phương pháp nghiên cứu về hoạt tính sinh học của một số loài thuộc họ chè (Theaceae) ở khu vực Bắc Trung bộ. Đó là các phương pháp nghiên cứu về thực vật, nghiên cứu về hóa học, đánh giá về hoạt tính sinh học. Kết quả nhóm đã xác định được 30 loài trong đó có 14 loài trà hoa vàng. Ghi nhận mới cho vùng phân bố 10 loài. Về giá trị sử dụng, có 22 loài làm cảnh, 17 loài làm thuốc và 10 loài cho dầu béo. Về giá trị bảo tồn, có 21 loài thuộc danh lục đỏ thế giới (IUCN, 2022) và Sách Đỏ Việt Nam (2007).

Họa sĩ Yoko Kakuta (Nhật Bản) trao bộ tranh Trà mi Việt Nam cho lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt 

Tham gia Hội thảo, các nhà khoa học đến tư Trường Đại học Thủ Dầu Một đặt ra một số đề tài khác như “Các loài thuộc học Trà (Theaceae) tại phía tây nam núi Vọng Phu-Đắk Lắk”; “Nghiên cứu quy trình trà túi lọc Collagen thiên nhiên từ nguyên liệu Hồng trà Kim Tuyên (Camellia Sinensis) trồng tại tỉnh Điện Biên”, “Đánh giá hàm lượng Polyphenol và khả năng kháng oxy của một số loại trà thương mại sử dụng nguyên liệu lá trà shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên ở huyện Tà Xùa, tỉnh Sơn La”…Nhóm tác giả Quách Văn Hợi-Viện Nghiên cứu Tây Nguyên cũng trình bày đề tài “Một số thảo luận trên phân nhóm (Section) Piquetia của chi Camellia”.

Bộ tranh về Trà mi bản địa Việt Nam vẽ bằng chất liệu màu nước càng tạo sức hấp dẫn của loài thực vật quý 

Đặc biệt, tại Hội thảo Trà mi bản địa Việt Nam lần thứ 3 này, họa sĩ Yoko Kakuta (Nhật Bản) 85 tuổi nhưng đã trực tiếp trao tặng Trường Đại học Đà Lạt 27 bức tranh gốc về Trà mi Việt Nam, được thể hiện bằng chất liệu màu nước và vẽ trong 21 năm (1995-2016). Nữ họa sĩ đã đồng hành với các nhà nghiên cứu hoa trà đến các khu rừng Việt Nam 12 lần. “Những bức tranh quý của bà vừa là tác phẩm nghệ thuật vừa là công trình khoa học, có ý nghĩa lớn về mặt tư liệu”, Tiến sĩ Lương Văn Dũng nhận xét. Tại Hội thảo, bà giới thiệu cụ thể từng bức tranh về loài, các bộ phận của trà mi và địa điểm xuất hiện, thời gian vẽ.

Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp hình lưu niệm 

Kết quả bộ tranh về Trà mi của họa sĩ người Nhật càng khẳng định loài Trà mi tại Việt Nam đã và đang rất được các nhà khoa học quốc tế quan tâm đặc biệt. Loài Trà mi ở Việt Nam không chỉ được phân bố nhiều về số lượng và chất lượng mà còn đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị của tín chỉ carbon rừng, thích nghi ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe con người, tạo cảnh quan xanh đẹp trong cuộc sống và góp phần phát triển ngành du lịch.    

Minh Đạo
: tramiviet