Cụ thể, một phần của chỉ thị được EU ban hành từ năm 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 3/7 tới, trong đó yêu cầu một loạt sản phẩm từ chai nước, đồ uống có gas đến hộp sữa và nước trái cây phải có nắp được gắn vào bình.
Theo chỉ thị, nắp chai/hộp là một trong những sản phẩm nhựa dùng một lần được tìm thấy nhiều nhất trên các bãi biển ở châu Âu. Do đó, quy định này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm hạn chế sản xuất nhựa sử dụng một lần và đã được chuyển thành luật ở các quốc gia thành viên EU.
Như vậy, tất cả các loại nắp chai hoặc hộp nhựa chứa đồ uống được bán ở EU sẽ phải được gắn vào chai/hộp theo các quy định mới. Việc đáp ứng các yêu cầu thiết kế sản phẩm cụ thể nhằm giúp giảm đáng kể số lượng nắp làm bằng nhựa thải ra môi trường.
Ảnh minh họa
Quy định cũng áp dụng cho phần trên của "bao bì tổng hợp" chẳng hạn như hộp sữa hoặc hộp nước trái cây có chứa bìa cứng, nhựa hoặc nhôm nhưng không bao gồm phần trên của hộp đựng bằng thủy tinh và kim loại, cũng như các hộp đựng được sử dụng cho "mục đích y tế”.
Được biết, từ năm 2021, EU đã cấm đĩa nhựa, dao kéo, ống hút, tăm bông dùng một lần. Các công ty được phép bán hết số hàng đã sản xuất trong kho. Tháng 3/2024, các nước EU cũng nhất trí với thỏa thuận cấm bao bì nhựa sử dụng một lần từ năm 2030.
Lệnh cấm cũng áp dụng cho việc đóng gói trái cây và rau quả tươi chưa qua chế biến, các phần đi kèm sản phẩm như gia vị và đường, đồ vệ sinh cá nhân cỡ nhỏ và màng bọc cho vali ở sân bay. Thỏa thuận này là bước tiến lớn cho các mục tiêu môi trường của EU theo Thỏa thuận Xanh và các mục tiêu về khí hậu khác.
Một nghiên cứu mới của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) cho thấy, dựa trên dữ liệu từ chương trình theo dõi rác thải nhựa kéo dài 5 năm tại 84 quốc gia trên thế giới, công ty Coca-Cola (Mỹ) là nhà sản xuất gây ô nhiễm nhựa lớn nhất, chiếm 11% tổng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Tiếp theo là tập đoàn PepsiCo, chiếm 5%; Nestle (Thụy Sỹ) và Danone (Pháp) đều chiếm 3%. 13 công ty khác gây ra ít nhất 1% ô nhiễm là nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống hoặc thuốc lá.
Con số này cho thấy tầm ảnh hưởng nghiêm trọng của sản phẩm nhựa từ các công ty thực phẩm đến hệ quả ô nhiễm nhựa toàn cầu. Vì vậy, cần có hành động khẩn trương, cụ thể để ngăn chặn tình trạng này. Theo đó, 12 tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan Khoa học quốc gia của Australia và CSIRO đã lần đầu tiên đưa ra định lượng trách nhiệm đối với vấn đề ô nhiễm nhựa.