Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính trong quản lý tài nguyên khoáng sản

Thứ ba, 13/5/2025 | 10:11 GMT+7
Ngày 12/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và khoáng sản.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự thảo Nghị định bao gồm 11 chương với 155 điều để quy định chi tiết 66 nội dung Luật giao và bổ sung 6 biện pháp thi hành.

Các thủ tục hành chính hiện hành được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa theo hướng giảm thiểu các đối tượng, tổ chức cá nhân phải thực hiện thủ tục hoặc mở rộng các đối tượng tổ chức, cá nhân được thực hiện; đơn giản hóa thành phần hồ sơ; đa dạng hóa hình thức thực hiện; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục; cắt giảm phí, lệ phí; phân cấp thực hiện thủ tục hành chính…

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Nghị định phải đi vào chi tiết, rõ ràng những vấn đề cần hướng dẫn về thi hành mà doanh nghiệp, cơ quan quản lý thống nhất về cách hiểu, cách làm, không cần có thêm văn bản.

Cơ quan soạn thảo tiếp thu triệt để, giải trình rõ các ý kiến góp ý; rà soát kỹ các quy định để điều chỉnh bao quát toàn bộ phạm vi của Luật Địa chất và khoáng sản, nhất là công tác quản lý nhà nước về địa chất, vốn có ý nghĩa rất quan trọng, phục vụ mọi lĩnh vực từ quốc phòng an ninh cho đến việc phát triển kinh tế, đô thị, vấn đề an ninh, an toàn, biến đổi khí hậu…

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh áp dụng công nghệ, giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Về định hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương, phân công nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng đề nghị bám sát quy định trong Luật Địa chất và khoáng sản, "một việc không giao cho hai người", vừa đơn giản hóa thủ tục nhưng rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng lợi dụng, tùy tiện. Theo đó, cấp Trung ương quản lý về chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra; có cơ chế đầu tư khảo sát, thăm dò, điều tra trữ lượng các khoáng sản chiến lược, thiết yếu, có quy mô và giá trị mang tầm quốc gia.

Các địa phương ngoài việc được phân cấp quản lý khoáng sản nhóm IV, nhóm III, có thể thực hiện khảo sát, thăm dò, điều tra, đánh giá bổ sung, báo cáo cập nhật vào quy hoạch đối với khoáng sản nhóm I, nhóm II chưa thực hiện thăm dò, điều tra cơ bản, chưa được đưa vào quy hoạch quốc gia.

Quy định về cấp phép, đánh giá trữ lượng khoáng sản từ kết quả thăm dò của doanh nghiệp phải bao gồm cả khoáng sản chính lẫn khoáng sản đi kèm; bảo đảm không thất thoát; khuyến khích đầu tư công nghệ khai thác khoáng sản đi kèm, "công khai, minh bạch để doanh nghiệp yên tâm thực hiện".

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến định hướng tiếp thu cho cơ quan soạn thảo đối với một số nội dung quan trọng khác như: khu vực khoanh định không đấu thầu, đấu giá khai thác khoáng sản; tiêu chí chế biến làm giàu khoáng sản khai thác trước khi xuất khẩu; bảo đảm an toàn và môi trường khi thực hiện khai thác đất, đá thải ở mỏ như khoáng sản đi kèm; thủ tục đóng cửa mỏ, thực hiện hoàn nguyên linh hoạt, phù hợp với môi trường, địa hình thực tế; phương pháp xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên; thu hồi khi phát hiện khoáng sản chiến lược, thiết yếu, có trữ lượng lớn trong thực hiện dự án, công trình xây dựng…

Hải Long (t/h)