Trong nước

Công tác xã hội trong ASEAN vẫn chưa là nghề chuyên nghiệp

Thứ năm, 31/10/2019 | 13:22 GMT+7
Triển khai các hoạt động chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, mới đây, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Ban Thư ký ASEAN tổ chức hoạt động cấp khu vực để tiếp tục cho chuỗi các hoạt động xây dựng văn kiện “Phát triển công tác xã hội trong ASEAN” thông qua hội thảo khởi động xây dựng “Tuyên bố ASEAN về phát triển công tác xã hội”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng cho biết, tại nhiều nước ASEAN, công tác xã hội vẫn chưa được pháp luật công nhận là một nghề chuyên nghiệp. Nhiều quốc gia vẫn chưa nhận thấy được tầm quan trọng của công tác xã hội trong đời sống của người dân và quản lý nhà nước của mình nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ, hỗ trợ cho những nhóm yếu thế.

“Các thách thức liên quan đến nguồn lực, bao gồm nhân sự chuyên nghiệp với kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp cũng như các nguồn lực tài chính trong công tác xã hội là những rào cản để phát triển công tác xã hội trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung”, ông Dũng cho biết.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội thảo

Trong bối cảnh đó, ông Dũng nhận định, ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thay đổi lớn lao, có ý nghĩa bước ngoặt trước những tiến bộ của khoa học và công nghệ, của Cách mạng 4.0 hay xã hội già hóa và biến đổi khí hậu kéo theo cả những thiên tai. Những thay đổi đó vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng kéo theo những thách thức đối với đường lối chính sách về phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu, trong đó có vấn đề phúc lợi xã hội và công tác xã hội.

“Việt Nam luôn coi trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là một trong những kim chỉ nam quan trọng của sự phát triển đất nước. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ vấn đề này, tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, Việt Nam cần phải tăng cường và kiện toàn khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội thông qua việc xây dựng Luật riêng về công tác xã hội để làm cơ sở định hướng phát triển công tác xã hội một cách chuyên nghiệp. Cũng như điều chỉnh các nội dung liên quan trong các ngành, lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành.

Bà Lesley Miler, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam đánh giá, ASEAN đang tăng cường nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ xã hội và coi đây là vấn đề rất quan trọng nếu muốn đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Một phần tư trẻ em thế giới sống ở khu vực này do đó, nếu không đạt được các mục tiêu SDGs tại đây, sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch đạt được các mục tiêu ở cấp toàn cầu.

“Với 10 năm còn lại của các nỗ lực thực hiện mục tiêu SDGs, nỗ lực thúc đẩy phát triển công tác xã hội như hiện nay của ASEAN nhằm tăng cường lực lượng cung cấp dịch vụ xã hội là vô cùng kịp thời”, bà Lesley Miler nhận định và nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng rằng Tuyên bố ASEAN sẽ đóng vai trò như một lời kêu gọi bắt buộc để có được cam kết chính trị và đầu tư lớn hơn trong việc tăng cường nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ xã hội ở khắp khu vực, bao gồm cả Việt Nam”.

Các chuyên gia tham dự hội thảo khởi động xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát triển công tác xã hội

Trình bày tổng quan và mục tiêu của hội thảo khởi động xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát triển công tác xã hội, đại diện Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh lực lượng dịch vụ xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ và tăng cường phúc lợi cho trẻ em, các nhóm yếu thế và gia đình họ cũng như cung cấp các hệ thống phúc lợi xã hội. Theo Ban Thư ký ASEAN, nghề công tác xã hội là một phần của lực lượng dịch vụ xã hội rộng hơn.

Do đó, Hiệp hội công tác xã hội ASEAN mà đi đầu là Chính phủ Việt Nam đã khởi động sáng kiến xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát triển công tác xã hội nhằm: thiết lập sự đồng thuận khu vực về quy mô và nhiệm vụ của lực lượng lao động làm dịch vụ xã hội; nâng cao năng lực khu vực trong việc lên kế hoạch, phát triển hỗ trợ lực lượng lao động làm dịch vụ xã hội; xây dựng một tuyên bố về phát triển công tác xã hội.

“Việc khởi động sáng kiến xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát triển công tác xã hội sẽ khuyến trợ, tăng cường khuôn khổ pháp luật và chính sách của các nước thành viên ASEAN về công tác xã hội và lực lượng cung cấp dịch vụ xã hội. Đồng thời hiểu thấu đáo, cam kết và chuẩn bị kế hoạch để có được một lực lượng cung cấp dịch vụ xã hội được đào tạo, có kỹ năng, có mặt ở khắp nơi và được hỗ trợ tốt. Đồng thời đạt được đồng thuận về nhu cầu, nội dung và quy mô của một tuyên bố về phát triển lực lượng công tác xã hội/dịch vụ xã hội”, đại diện Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh.

Như Quỳnh